Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thiết kế lại giao thông tại các giao lộ nguy cơ ùn ứ giao thông là cần thiết
Thứ bảy: 00:05 ngày 20/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nâng cấp, cải tạo các nút giao thông quan trọng phải phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển mạng giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh

Nút giao Trường Nam (đường 30.4, thành phố Tây Ninh) sẽ được nghiên cứu phương án  giảm ùn tắc, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông vào giờ cao điểm.

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2829/QĐ-UBND ngày 29.12.2023 phê duyệt Đề án “Nghiên cứu thiết kế phương án tổ chức giao thông tại các giao lộ có nguy cơ ùn ứ và tiềm ẩn tai nạn giao thông”. Theo đề án, có 12 nút giao thông được nghiên cứu thiết kế phương án tổ chức giao thông.

Hạn chế tai nạn giao thông

Thời gian qua, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư rất lớn nên hạ tầng giao thông chưa được đồng bộ, đặc biệt là tại các vị trí nút giao thông đầu mối trên các trục đường chính có tính chất kết nối giữa tỉnh Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lưu lượng giao thông lớn như quốc lộ 22, đường tỉnh 781, 782...

Nút giao trước cổng Khu công nghiệp Phước Đông–Bời Lời (trên đường 782).

Trong khi đó, sự phát triển mở rộng của các khu công nghiệp (KCN) và đô thị dọc trục đường chính với diện tích và mật độ dân cư ngày càng tăng, cùng sự phát triển nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân và những khó khăn trong việc tổ chức vận tải hành khách công cộng dẫn đến nguy cơ quá tải cục bộ tại các vị trí nút giao thông đầu mối, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông trên các tuyến trục chính, huyết mạch, cửa ngõ đường bộ ra vào các KCN lớn như Trảng Bàng, Phước Đông, các đô thị như thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh... Đặc biệt trong các dịp cao điểm như lễ, tết, làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống các cư dân đô thị, gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đề án, chỉ riêng tại thị xã Trảng Bàng đã có 5 nút giao thông cần tổ chức lại, gồm: nút giao ngã tư Suối Sâu; nút giao kết nối QL22 với KCN Trảng Bàng tại vị trí đường 12; nút giao ngã tư An Bình; nút giao ngã ba ngân hàng; nút giao ngã tư Hai Châu; nút giao ngã ba tuyến tránh QL22 và ĐT.782. Thời gian qua, tại các nút giao thông trên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là giờ cao điểm công nhân KCN Trảng Bàng đến giờ làm hay ra về.

Theo ông Trần Tương Quốc- Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, việc ùn ứ giao thông tại các giao lộ nằm trên QL22 đến Suối Sâu khá nghiêm trọng, do đây là tuyến đường chính các phương tiện lưu thông đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Vì thế, việc xây dựng phương án thiết kế tại các nút giao thông trên là cấp thiết để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm, hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này.

 

Huyện Gò Dầu có 2 nút giao thông nằm trong đề án thiết kế phương án giao thông gồm: nút giao ngã tư Nông trường và nút giao cổng KCN Phước Đông - Bời Lời.

Thời gian qua, tại 2 nút giao này thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông vào những giờ cao điểm do lượng xe ô tô tải vận chuyển hàng hoá và xe mô tô cá nhân của công nhân ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thực tế, những năm qua đã có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại các khu vực trên, trong đó có một số vụ va chạm xe mô tô với ô tô tải ra vào KCN. Vì vậy, việc xây dựng phương án thiết kế giao thông tại 2 nút giao thông là hết sức cần thiết để giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông và hạn chế tai nạn giao thông.

Nút giao Suối Sâu nằm trên Quốc lộ 22 (đoạn qua phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng). 

Theo lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu, sắp tới, huyện có phương án giải quyết tình trạng xe container đậu dọc giao lộ ngã tư Nông trường. Tuy nhiên, chỉ là phương án xử lý tạm thời, để giải quyết được tình trạng này phải chờ đầu tư các nút giao tại đoạn đường trên.

Tại thành phố Tây Ninh, nút giao cửa số 2 Toà thánh Tây Ninh luôn xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, bởi đây là nút giao thông kết nối nhiều tuyến đường chính CMT8 - Lạc Long Quân - Lý Thường Kiệt - Cơ Thánh Vệ.

Thời gian qua, ngành giao thông đã có nhiều giải pháp như thiết kế tiểu đảo, lắp đặt đèn tín hiệu phân luồng giao thông. Thế nhưng, do tuyến CMT8 là tuyến đường chính mà các phương tiện từ thị xã Hoà Thành, huyện Dương Minh Châu lưu thông từ đường Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, 781 di chuyển đến nút giao thông này để tới thành phố Tây Ninh và ngược lại nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng vào giờ cao điểm; đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này.

Nút giao lộ này còn nằm cận Toà thánh Tây Ninh, một trong những điểm du lịch chính của tỉnh nên lượng xe ô tô khách lưu thông khá lớn vào ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, tết. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiết kế lại giao thông tại nút giao này là hết sức cấp thiết, trong bối cảnh kinh tế - xã hội, đô thị, du lịch của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hướng đến tương lai

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc xây dựng Đề án “Nghiên cứu thiết kế phương án tổ chức giao thông tại các giao lộ có nguy cơ ùn ứ và tiềm ẩn tai nạn giao thông” nhằm rà soát, đánh giá thực trạng một số nút giao thông có nguy cơ cao, đề xuất giải pháp cải tạo và lộ trình thực hiện, xem xét bổ sung quy hoạch chi tiết các nút giao thông tầm nhìn năm 2050; xây dựng các chương trình kế hoạch, triển khai đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Mục tiêu nghiên cứu của đề án là đề xuất và lựa chọn quy mô, giải pháp cải tạo những nút giao có nguy cơ ùn ứ, tiềm ẩn tai nạn giao thông; xây dựng lộ trình phù hợp triển khai đầu tư theo từng giai đoạn, góp phần vào sự phát triển hệ thống vận tải tỉnh Tây Ninh theo hướng hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, từ đó giảm ùn tắc, giảm nguy cơ tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời phải bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Nút giao cửa số 2 Toà thánh Tây Ninh dù có tiểu đảo, đèn tín hiệu phân luồng nhưng vào giờ cao điểm luôn xảy ra tình trạng ùn ứ.

Ngoài ra, phải kết hợp và khai thác tốt hệ thống giao thông quốc gia, vùng và đặc biệt là giao thông nối kết với các tỉnh lân cận; phát triển mạng lưới giao thông vận tải địa phương đồng bộ và liên hoàn, bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Đề án được phê duyệt sẽ là căn cứ để thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp và phát triển các công trình giao thông trọng điểm, làm cơ sở cho công tác quản lý, lập kế hoạch đầu tư toàn bộ hoặc từng phần hệ thống giao thông vận tải.

Thực hiện hiệu quả các đột phá, trong đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn với hình thành hành lang đô thị - công nghiệp. Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, hiệu quả; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách; cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao thu nhập của người dân.

Nâng cấp, cải tạo các nút giao thông quan trọng phải phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển mạng giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh, gắn liền giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Việc cải tạo 12 nút giao thông từng bước hình thành hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững, bảo đảm lưu thông nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh trong tương lai.

Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục