Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng mức khoán bảo vệ rừng:
Thiết thực quan tâm đến những người gắn bó với rừng
Thứ hai: 15:12 ngày 17/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 38/2016/QÐ-TTg ngày 14.9.2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty lâm nghiệp, trong đó quy định: “Mức khoán quản lý bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh áp dụng mức khoán 300.000 đồng/ha/năm trong năm 2017”.

Hiện nay, mức khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 60/2010/QÐ-TTg ngày 30.9.2010 của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết vẫn còn là 200.000 đồng/ha/năm.

Theo các cán bộ thuộc các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng, mức này là quá thấp, không thể nào đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cho người nhận khoán, dù chỉ ở mức tối thiểu. Vì vậy, các đơn vị đều kiến nghị nâng mức khoán, đồng thời xem xét có chế độ cho người bảo vệ rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm, năm 2016, diện tích rừng được đầu tư bảo vệ trên địa bàn tỉnh là 51.341 ha, tăng 6% so năm trước. Toàn bộ diện tích này đều được giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Nhìn chung, công tác bảo vệ rừng được các đơn vị quan tâm, thực hiện tốt; diện tích đầu tư khoanh nuôi rừng tái sinh tự nhiên là 6.235 ha, dự kiến chuyển diện tích khoanh nuôi sang giai đoạn bảo vệ rừng tự nhiên gần 5.500 ha.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ rừng đã được các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện, diện tích rừng ngày càng được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo các cán bộ, nhân viên lực lượng bảo vệ rừng, quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, lực lượng bảo vệ còn phải hỗ trợ các hộ nhận khoán trồng, bảo vệ rừng và lập hồ sơ xử lý các vi phạm…

Công việc đa đoan và phức tạp như thế, trong khi suất đầu tư hiện nay chỉ có 200.000 đồng/ha/năm và chưa có chế độ nào khác. Rõ ràng thu nhập của lực lượng này quá thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu ở mức tối thiểu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành, kinh phí khoán bảo vệ rừng đã được nâng lên 250.000 đồng/ha/năm, nhờ được tỉnh hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ha/năm, như vậy đã cao hơn các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở địa phương này cũng còn có những hạn chế nhất định, cụ thể là ở xã Hoà Thạnh. Theo ông Dương Minh Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn xã, diện tích khoanh nuôi và bảo vệ rừng là 513,8 ha, trong khi đó, diện tích rừng được giao khoán bảo vệ (với mức 250.000 đồng/ha) chỉ có 411 ha. Dù vậy, công tác bảo vệ trên địa bàn xã vẫn phải thực hiện trên toàn bộ diện tích rừng đang khoanh nuôi, bảo vệ.

Ông Nguyễn Hoàng Phi, Ðội trưởng Ðội Bảo vệ rừng xã Hoà Thạnh cho biết, hiện tại, Ðội có 6 nhân viên chuyên trách. Với mức khoán 7,7 triệu đồng/tháng, bình quân mỗi người chỉ nhận được gần 1 triệu đồng/tháng, do phải trích 10% để chi cho hoạt động của Ðội. Theo ông Phi, mức này quá thấp, bên cạnh đó, chế độ bảo hiểm y tế cũng không có.

Công việc bảo vệ rừng rất vất vả, có lúc rừng bị tác động (bị phá), các thành viên trong đội phải đi kiểm tra liên tục vào ban đêm, nhất là trong mùa mưa, có khi phải ngủ lại rừng. Vào mùa khô, các thành viên phải túc trực 24/24 để kịp thời ứng phó với công tác phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, trong năm, nếu ở khoảnh rừng nào có cây rừng bị chặt phá, bị xâm hại coi như người nhận khoán không được thanh toán cả 1 ha rừng.

Ông Phi chia sẻ, suốt 10 năm (2000 - 2010), Ðội không ngừng làm tốt công tác bảo vệ rừng nên luôn được UBND tỉnh tặng bằng khen. Riêng năm 2007, Ðội được Thủ tướng trao tặng bằng khen vì làm tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Tuy nhiên, ông Phi bộc bạch, những năm gần đây lực lượng bảo vệ rừng không ổn định, thường có người nghỉ việc, do làm việc vất vả, rủi ro cao mà tiền lương quá thấp, lại không có chế độ ổn định lâu dài.

Ông Phi đã làm công tác bảo vệ rừng gần 20 năm, nên ông hiểu được làm công tác bảo vệ rừng khó khăn đến mức nào, nhất là khi trực ban đêm, nguy cơ bị rắn độc cắn rất cao, đe doạ đến tính mạng. Chính vì sự không an toàn này nên nhân sự trong đội thường xuyên có sự biến động, thay đổi. Mỗi khi có thành viên xin nghỉ vì thu nhập thấp, với trách nhiệm là Ðội trưởng, ông Phi lại phải đi vận động người khác tham gia vào Ðội nhằm bảo đảm duy trì quân số phục vụ bảo vệ rừng được hiệu quả.

Ðể bảo đảm chế độ cho người bảo vệ rừng, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ nâng mức khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng để bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống cho các hộ nhận khoán.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 38/2016/QÐ-TTg ngày 14.9.2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty lâm nghiệp, trong đó quy định: “Mức khoán quản lý bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh áp dụng  mức khoán 300.000 đồng/ha/năm trong năm 2017”.

Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, trong thời gian này, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng lại, sau đó căn cứ vào quy hoạch đã điều chỉnh để xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2017 - 2020, từ đó mới có thể điều chỉnh được mức khoán bảo vệ rừng từ 200.000 đồng/ha/năm lên 300.000 đồng/ha/năm áp dụng trong năm 2017.

THANH NHI

Tin cùng chuyên mục