Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thiếu giáo viên vì “người đến ít hơn người đi”
Thứ tư: 21:12 ngày 31/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Số lượng tuyển dụng được không kịp bổ sung cho số lượng viên chức trong ngành nghỉ hưu, nghỉ việc. Từ năm 2019 đến nay có 1.562 trường hợp rời khỏi ngành Giáo dục, trong đó 683 người nghỉ hưu, 879 người nghỉ việc.

Giáo viên mầm non tham gia hội giảng và thi giáo viên dạy giỏi vòng tỉnh

Vừa qua, HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non trên địa bàn tỉnh. Sau khi khảo sát ở địa phương, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp để UBND tỉnh giải trình về vấn đề nêu trên. Câu chuyện thừa, thiếu hoặc vừa thừa vừa thiếu giáo viên xảy ra từ lâu nhưng đến nay chưa thể giải quyết, đặc biệt đối với bậc học mầm non.

Số lượng giáo viên giảm

Theo thống kê, tổng số giáo viên các cấp học có xu hướng giảm dần, từ 11.699 giáo viên năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023 còn 11.145 giáo viên (giảm 554 giáo viên) trong khi số học sinh tăng dần các năm dẫn đến tỷ lệ học sinh/lớp cao, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Giáo viên dạy ở trường ngoài công lập tăng từ 513 giáo viên năm học 2018-2019 lên 563 giáo viên.

Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn (về văn bằng) tăng từ 10,2% năm học 2018-2019 lên 13,4% năm học 2022-2023. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng từ 62,8% năm học 2018-2019 lên 67,2% năm học 2022-2023.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên từng môn học, cấp học thể hiện cụ thể như sau:

Bậc học mầm non: hiện tại, Tây Ninh cần 2.541 giáo viên, hiện có 2.216, thiếu 325 giáo viên, tỷ lệ thiếu giáo viên tương đương khoảng 13%.

Giáo dục phổ thông:

Cấp tiểu học: Tây Ninh cần 4.796 giáo viên, hiện có 4.545 giáo viên, thiếu 251 giáo viên, tỷ lệ thiếu giáo viên tương đương khoảng 5%.

Cấp THCS: Tây Ninh cần 3.261 giáo viên, hiện có 2.953 giáo viên, thiếu 308 giáo viên (chủ yếu các môn Ngữ văn và Toán), tỷ lệ thiếu giáo viên khoảng gần 10%.

Cấp THPT: Tây Ninh cần 1.681 giáo viên, hiện có 1.431 giáo viên, thiếu 250 giáo viên (chủ yếu môn Ngữ văn, Tiếng Anh), tỷ lệ thiếu khoảng 15%.

Theo nhận định, dự báo của các cấp quản lý, những năm tới, việc thiếu giáo viên có thể nhiều hơn do số lượng nghỉ hưu, nghỉ việc hằng năm nhiều hơn số lượng giáo viên tuyển dụng. Nguồn tuyển tập trung về nơi có thu nhập cao như TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố này cũng đang thiếu giáo viên và có chính sách tăng thu nhập rất cao. Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2023 là 1,8 lần tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Trong khi đó, giáo viên tại Tây Ninh vẫn hưởng mức lương, phụ cấp theo quy định chung cả nước, không có cơ chế đặc thù riêng. Vì không có chính sách thu hút nên những trường học ở vùng biên giới đều thiếu giáo viên, không có giáo viên nào đăng ký tuyển dụng.

Theo lộ trình thực hiện Luật Giáo dục 2019, phải tiến tới phổ cập mầm non, mẫu giáo 3-4 tuổi. Do đó, việc thiếu giáo viên nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện phổ cập theo lộ trình.

Để phát triển đội ngũ giáo viên, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu đội ngũ, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, thực hiện tuyển dụng theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển dụng (được) so với chỉ tiêu kế hoạch hằng năm ngày càng giảm, đặc biệt ở bậc học mầm non và cấp tiểu học, THCS.

Trước đây, ngoài nguồn tuyển dụng giáo viên trong tỉnh còn có nguồn tuyển dụng giáo viên từ các tỉnh bạn. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên nên nguồn tuyển dụng giáo viên không còn nhiều, hồ sơ đăng ký tuyển dụng không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là ở giáo viên mầm non.

Theo quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019, các cơ sở đào tạo phải điều chỉnh lại kế hoạch đào tạo nên số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa kịp đáp ứng nhu cầu giáo viên hiện nay.

Tại Trường CĐSP Tây Ninh, từ năm 2019 đến năm 2022, có 467 sinh viên mầm non trúng tuyển nhập học, 410 sinh viên trong số đó tốt nghiệp. Như vậy, bình quân mỗi năm học, cơ sở này chỉ đào tạo hơn 100 sinh viên sư phạm mầm non.

Giáo viên mầm non huyện Châu Thành hướng dẫn trẻ hoạt động ngoài trời.

Số giáo viên trúng tuyển ít hơn giáo viên nghỉ việc

Từ năm 2019 đến nay, ngành Giáo dục Tây Ninh đã tuyển dụng được 952 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng được không kịp bổ sung cho số lượng viên chức trong ngành nghỉ hưu, nghỉ việc. Từ năm 2019 đến nay có 1.562 trường hợp rời khỏi ngành Giáo dục, trong đó 683 người nghỉ hưu, 879 người nghỉ việc.

Tình hình trên dẫn đến số lượng, tỷ lệ giáo viên đứng lớp hiện nay chưa đạt theo quy định của Bộ GD&ĐT. Liệt kê cụ thể như sau: Bậc học mầm non, tỷ lệ giáo viên hiện tại là 1,65 giáo viên/lớp (quy định 2,2); cấp tiểu học, tỷ lệ 1,43 (quy định 1,5); cấp THCS tỷ lệ 1,6 (quy định là 1,9) và cấp THPT tỷ lệ 1,94 (quy định là 2,25).

Những con số nêu trên cho thấy, tỷ lệ bố trí giáo viên chưa đủ theo quy định, nguồn tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Hiện tại, Tây Ninh chưa có chính sách đãi ngộ của địa phương đối với giáo viên công tác vùng xa nên chưa đáp yêu cầu cuộc sống của giáo viên (lương thấp, làm việc áp lực nhiều, di chuyển xa). Sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, một số giáo viên mầm non đã học trung cấp sư phạm mầm non nhưng không tiếp tục học lên hệ cao đẳng theo quy định, họ chuyển sang làm việc khác tại các khu công nghiệp.

Đối với giáo viên phổ thông, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học gặp khó khăn do không đủ đội ngũ để bố trí thời lượng dạy học trên lớp. Một số trường gặp khó khăn khi triển khai giảng dạy ở bộ môn Tiếng Anh, Tin học do thiếu giáo viên.

Đối với giáo viên THCS dạy học các môn tích hợp, dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng khó để bảo đảm chất lượng khi giáo viên dạy môn này phải tham gia bồi dưỡng để dạy môn khác. Ở cấp THPT, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) hiện không triển khai được, vì không có giáo viên dạy môn này.

Dạy tiểu học nhưng phải học đại học

Theo phân tích, giải thích của các cơ quản lý, nguyên nhân của việc thiếu giáo viên kéo dài là chế độ đãi ngộ cho giáo viên còn thấp. Giáo viên mầm non thực hiện 3 chức năng: chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, vừa phải làm đồ dùng dạy học, hoạt động phong trào… thời gian làm việc của giáo viên mầm non từ 9-10 giờ/ngày.

Đây là lý do cơ bản khiến cho việc tuyển dụng giáo viên đối với bậc này khó khăn. Nhiều giáo viên tốt nghiệp ra trường đã tìm việc làm khác hoặc đăng ký tuyển dụng vào các trường tư thục ở những địa bàn thuận lợi.

Nhiều xã thuộc huyện vùng biên giới (Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu) và một số xã vùng nông thôn khác địa bàn rộng, các điểm trường mầm non, tiểu học trải đều trên địa bàn, cách xa trung tâm xã, khoảng cách đi lại xa nên việc tuyển dụng giáo viên ở các địa bàn vùng này gặp khó khăn.

Trường CĐSP Tây Ninh trong những năm gần đây không còn được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, THCS (do Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ tối thiểu được đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS phải tốt nghiệp đại học) nên tỉnh khó chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên này cho những năm về sau. Mặt khác, khi cùng chuẩn đào tạo là trình độ đại học, rất ít sinh viên đăng ký mã ngành đào tạo giáo viên tiểu học (đa số thường đăng ký mã ngành đào tạo giáo viên THPT). Vì vậy, nguồn tuyển dụng giáo viên tiểu học về sau không còn nhiều.  

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong những năm về sau, cần có chính sách đặc thù về chế độ đãi ngộ phù hợp với mặt bằng thu nhập, tính chất công việc đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT công tác tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Tỷ lệ tuyển dụng giáo viên các cấp học từ năm 2019 đến 2022:

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh