Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh
Thứ tư: 05:28 ngày 06/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở Giáo dục - Đào tạo vừa tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục cho các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc. Số liệu cho thấy, bên cạnh những môn thu hút nhiều ứng viên cũng có những môn mà con số dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu, thậm chí có môn không có một thí sinh nào đăng ký, chẳng hạn như Tin học.

Một tiết học môn Tiếng Anh theo chương trình chuẩn mới tại Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (thành phố Tây Ninh). Ảnh: Hoa Lư

Theo kế hoạch đã được công bố, kỳ tuyển dụng năm nay, ngành Giáo dục Tây Ninh tuyển 15 giáo viên môn Tin học nhưng cuối cùng không có thí sinh nào dự tuyển. Điều này mới nghe qua tưởng chừng vô lý, vì số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp sau khi ra trường không hề nhỏ, có đến hàng chục ngàn người. Sau khi có thông báo tuyển dụng giáo viên của Sở Giáo dục - Đào tạo, có thí sinh đang là giáo viên hợp đồng có chứng chỉ sư phạm nhưng không được nhận hồ sơ dự tuyển, vì trường hợp này tốt nghiệp một trường đại học khác chứ không phải đại học sư phạm. Theo ý kiến của các thí sinh “ngoại hạng” này, việc không nhận hồ sơ dự tuyển của họ là chưa công bằng, và nhất là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế ở Tây Ninh. Hiện tại, ngành Giáo dục Tây Ninh (các đơn vị trực thuộc Sở) đang cần ít nhất 15 giáo viên môn Tin học nhưng không có thí sinh nào đăng ký tham gia dự tuyển. Trong khi đó, có những người đang đi dạy, có chứng chỉ sư phạm lại không được dự tuyển, điều này rõ ràng cần được xem lại. Ưu tiên tuyển số thí sinh học đại học sư phạm để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân sư phạm là không sai, nhưng trong vài năm gần đây, ngành Giáo dục Tây Ninh không tuyển được giáo viên môn Tin học thì cũng cần xem lại quy định hiện hành.

Chủ trương không tuyển dụng các thí sinh ngoài sư phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, ngoài chuyện ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho sinh viên sư phạm, cũng còn những yếu tố khác. Đó là trong một thời gian dài, việc đào tạo, cấp chứng chỉ sư phạm cho các sinh viên ngoài ngành sư phạm khá dễ dãi. Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, để có chứng chỉ sư phạm, người học phải học sáu tháng liên tục nhưng thời gian học thực tế để được cấp chứng chỉ ngắn hơn nhiều. Ngày 27.3.2014, Bộ Giáo dục - Đào tạo ra quyết định tạm dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông. Theo quyết định này, các cơ sở giáo dục tạm dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông. Tuy vậy, quyết định của Bộ cũng có ghi: đối với các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông đã tuyển sinh trước ngày quyết định trên có hiệu lực thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếp tục thực hiện và cấp chứng chỉ theo quy định. Điều này có thể hiểu, thí sinh nào có chứng chỉ sư phạm trước ngày 27.3.2014 thì chứng chỉ này vẫn có giá trị và đương nhiên được quyền dự thi, xét tuyển làm giáo viên.

Học sinh thi tiếng Anh qua mạng internet (ảnh tư liệu).

Tình trạng khan hiếm nguồn tuyển giáo viên Tin học, ngoài “hàng rào kỹ thuật” như trình bày ở trên, theo một số cán bộ lâu năm trong ngành Giáo dục, còn có nguyên nhân khác. Khi đào tạo, trường sư phạm thường đào tạo sinh viên hai môn Toán - Tin song song với nhau. Do đó, phần lớn sinh viên ngành Toán thường chọn môn học này là môn chính để sau này làm giáo viên dạy Toán. Trong trường sư phạm, số sinh viên đi theo môn Tin học cũng có nhưng không dồi dào như môn Toán. Mặt khác, hầu như các sinh viên môn Tin học sau khi tốt nghiệp đều tìm cách trụ lại ở thành phố lớn vì có nhiều cơ hội tốt hơn. Số sinh viên ngành Tin học, cực chẳng đã họ mới chấp nhận về quê để đi dạy học.

Từ tình hình trên, có ý kiến kiến nghị: ngành Giáo dục nghiên cứu đề xuất với các cấp quản lý có thẩm quyền xem xét, nới lỏng điều kiện để thu hút nguồn tuyển giáo viên Tin học. Cụ thể, xem xét huỷ bỏ chủ trương chỉ tuyển người học trong trường sư phạm, tuyển cả thí sinh học ở trường đại học khác nếu như họ có nhu cầu làm giáo viên trung học phổ thông. Về nguyên tắc, trong một kỳ thi, sát hạch nào đó, càng nhiều thí sinh dự thi, cơ quan tuyển dụng càng có nhiều cơ hội để tìm ra những người có năng lực, trình độ thật sự. Không chỉ giáo viên môn Tin học mà ngay cả việc tuyển dụng giáo viên môn Tiếng Anh cũng cần được xem xét lại. Tại kỳ tuyển dụng vừa qua, mặc dù cần đến 18 chỉ tiêu, nhưng chỉ có vỏn vẹn hai thí sinh dự tuyển làm giáo viên môn Tiếng Anh. Hiện tượng này không phải là lần đầu tiên. Một trong những nguyên nhân là ứng viên thiếu các loại chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tham chiếu chuẩn châu Âu, 6 bậc) nên không thể nộp hồ sơ. Mọi quy định, chính sách đều do con người xây dựng. Khi chính sách, quy định không còn phù hợp thực tế, cần mạnh dạn điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thậm chí có thể huỷ bỏ để xây dựng cái mới.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục