Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh quyết định này từ phía Moscow “vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế.
Dù là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao cân bằng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2.
Ankara phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhưng đồng thời vẫn gửi máy bay không người lái cho Ukraine. Có thể nói, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với cả phía Moscow lẫn Kiev.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 1-10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, đồng thời phản đối Moscow sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine.
"Quyết định này vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc đã được thiết lập của luật pháp quốc tế và không thể được chấp nhận" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.
"Chúng tôi nhắc lại quan điểm ủng hộ một giải pháp cho cuộc xung đột này khi tính nghiêm trọng ngày càng tăng lên, dựa trên nền hoà bình công bằng cần đạt được thông qua đàm phán" - vẫn tuyên bố từ phía Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Hành động như thể "chọc giận" Nga, được Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Người đứng đầu nước Nga cũng khẳng định Moscow sẽ chiến thắng trong chiến dịch quân sự đặc biệt này.
Trước đó, chính quyền Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga. Kiev và phương Tây gọi các cuộc trưng cầu dân ý trên là vi phạm luật pháp quốc tế và "dàn dựng".
Ngay sau đó, các nước Mỹ, Anh và Canada công bố các lệnh trừng phạt mới để đáp trả Nga.
Về phía Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky ngày 30-9 cho biết nước này đã nộp đơn xin gia nhập NATO và sẽ không đàm phán hoà bình với Nga nếu ông Putin vẫn còn là tổng thống, theo Reuters.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Đài tự do châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ lại dọa chặn Thụy Điển, Phần Lan vào NATO
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lặp lại cảnh cáo ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO nếu hai nước Bắc Âu không giữ đúng cam kết.
"Cho đến khi họ thực hiện đúng lời hứa, chúng ta vẫn giữ nguyên lập trường" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 1-10 tuyên bố trước quốc hội khi nhắc lại thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan.
Thực tế, ông Erdogan đã nhiều lần dọa ngăn hai nước Bắc Âu tham gia NATO nếu không hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người Kurd. Trong thỏa thuận hồi tháng 6, cả Ba Lan lẫn Thụy Điển đều đồng ý hợp tác dẫn độ và chia sẻ thông tin "chống khủng bố" với Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Ankara sẽ phê duyệt đề xuất mời hai nước gia nhập NATO.
Tổng thống Erdogan cùng giới lãnh đạo tại Ankara nhiều lần cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan là nơi nương náu của các phần tử cực đoan lưu vong và ủng hộ phong trào ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chính phủ đang theo dõi sát sao xem liệu Thụy Điển và Phần Lan có giữ lời hay không. Quyết định cuối cùng sẽ do quốc hội đưa ra" - đài Tự do châu Âu dẫn lời ông Erdogan quả quyết.
Nguồn NLDO