Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Liệu có sớm không, khi có thể coi đây cũng là một “tài nguyên lá”. Bởi cọng lá lục bình có thể đan thành những cái giỏ xinh xinh đi chợ, hay là xắc cầm tay cho những cô nàng yểu điệu thêm duyên.
“Nhìn lá/ Cứ ngờ là lá ngọt…”, tôi bị ám ảnh bởi đôi câu thơ này trong bài thơ Như Lá của nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ. Chị viết ở Huế khi đất nước đã hoà bình thống nhất, sau một thời của những “khoảng trời hố bom” trên đất lửa Quảng Bình quê hương. Còn một câu thơ nữa, có thể giải thích vì sao lá ngọt. Là câu: -“Hỡi chiếc hôn em có như lá không?”. Thế thì ngọt quá còn gì! Nhưng dù sao thì đấy cũng là nghĩa bóng. Về tình yêu, ai cũng đã từng trải nghiệm.
Còn lá ngọt theo đúng nghĩa đen? Gần đây bạn có đi siêu thị Co.opMart không? Nếu có thì thế nào cũng nhớ, ngay ở lối vào có các cô gái bưng khay trà mời uống trà thảo dược. Ai tò mò tìm hiểu thêm, các cô sẽ mở cho ta xem tường tận một gói trà. Trong đó ắt có màu xanh của những chiếc lá dù đã khô. Nhận một cọng, đưa lên môi nhấm, thì ra đúng là lá ngọt. Y như vị lá cây cam thảo.
Sẽ càng ngọt hơn, khi ta ngẫm nghĩ rằng từ khi có các siêu thị như thế này, đời sống của người dân thành phố Tây Ninh đã nâng lên tầm cao mới. Cũng ở siêu thị này và một vài cửa hàng rau sạch VietGAP hay Bách hoá xanh đã có phong trào dùng lá chuối thay cho túi nylon. Ôi chà, xinh quá! Những mớ rau nõn xanh bọc khéo trong một manh lá chuối, rồi choàng một cọng thun. Đã ước thì ước luôn, rằng bó rau ấy được buộc thêm một sợi rơm vàng.
Tôi thường xem Đài Truyền hình tỉnh nhà, trong tối thứ hai, 19.8 có phóng sự “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” kể chuyện bài trừ túi nylon khi đi chợ hay siêu thị. Thực ra, hành vi loại trừ túi nylon là không nhỏ một chút nào, khi mà quanh ta lúc nào cũng thấy túi nylon bay tá lả ở dọc đường khi trời nắng. Lình xình bùn nước lúc trời mưa. Chúng bết vào nhau, lấp cả miệng cống thoát làm ứ đầy nước trên đường.
Rồi túi nylon dồn tụ lại ở những góc phố vắng. Hay túi lập lờ trôi trên dòng rạch xanh trong. Để rồi tốn biết bao công sức những người chèo ghe vớt rác… Còn biết bao hình ảnh nhếch nhác nữa để chứng minh việc túi nylon đã thành “đại nạn” của thời nay. Và không chỉ túi, còn biết bao thứ sản phẩm nylon của thị trường, như các chai nước khoáng hay những ly, dĩa dùng một lần rồi bỏ.
Đã đến thời của lá rồi chăng! Khi các bạn phóng viên TTV11 khoe cái túi vải bên hông, cùng những gói rau, quả xinh xắn bọc bằng lá chuối. Ở quê ta, nơi đâu mà không thấy lá chuối. Chuối đã trải miên man khắp sườn núi Bà. Chuối ở góc vườn nhà bạn tôi. Hay chuối mênh mông trên những trang trại chuối già Nam Mỹ ở Tân Châu… Thật ra là dân quê ta đã sử dụng lá chuối từ lâu, nhưng thường chỉ gói bánh, nên nhu cầu chưa đáng kể. Nay đã có phong trào nói không với túi nylon, thì chắc đã đến thời lá chuối.
Mà đâu chỉ có lá chuối, còn biết bao thứ lá khác cũng đang dào dạt mướt xanh trên miền đất quê mình, như lá sen Thanh Điền. Ngoài Hà Nội chỉ có hạt cốm mùa thu mới được hưởng cái vinh dự gói trong lá sen xanh. Rồi lá tre Gia Lộc hay An Tịnh, Trảng Bàng. Loại lá đã làm vinh danh món bánh ú lá tre nổi tiếng, ngang ngửa với bánh tráng phơi sương đã thành di sản. Giữa vô số thứ lá còn chưa nhớ hết, vẫn không thể quên rằng các dòng sông quê ta đang chen chúc lá lục bình.
Liệu có sớm không, khi có thể coi đây cũng là một “tài nguyên lá”. Bởi cọng lá lục bình có thể đan thành những cái giỏ xinh xinh đi chợ, hay là xắc cầm tay cho những cô nàng yểu điệu thêm duyên. Thời của lá có lẽ còn là thời khởi nghiệp cho những ai đam mê với sự nghiệp làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đất nước.
NGUYỄN