6h30-7h là khung cao điểm mỗi ngày ở đường phố Việt Nam, dù lấy thước đo thành thị hay nông thôn. Vào khoảng thời gian này, ước tính hơn 10 triệu học sinh Việt Nam đến trường trong tổng số hơn 20 triệu em ở các cấp bậc từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông.
Tuy nhiên, rất khó thống kê bao nhiêu học sinh uống đủ lượng nước mỗi ngày. Không thể đưa ra tính toán dựa vào những hình thái xuất hiện trên đường phố vào các khung giờ cao điểm, rằng các em có mang theo nước đến trường hay không và khi các cơ sở cung cấp nước uống, liệu bao nhiêu em sẽ sử dụng và uống đủ lượng cần thiết, cũng như nguồn nước các em dùng đến từ đâu.
Nước là thành phần cần thiết với sức khỏe con người, chiếm 60-70% cơ thể. Tất cả phản ứng, quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần nước - giúp thải độc qua nước tiểu và mồ hôi. Đối với trẻ em, nước lại càng quan trọng. Trẻ nặng 10 kg cần một lít nước một ngày (kể cả sữa), trẻ nặng hơn 10 kg thì mỗi kg thêm 50 ml nước. Với trẻ từ 10 tuổi trở lên, lượng nước uống khuyến cáo bằng với người lớn, tức 2-2,5 lít mỗi ngày. Điều này có nghĩa từ lớp ba trở lên thì mỗi học sinh đã cần tiêu thụ hơn 2 lít nước mỗi ngày.
Một bác sĩ ở TP HCM cho biết, đối với cơ thể, nước còn quan trọng hơn cả chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin và chất khoáng. Nếu một người không ăn gì cả, chỉ uống nước thôi có thể sống được một tháng, nhưng nếu không uống nước chỉ sống được chưa tới một tuần.
Nếu nước nạp vào cơ thể không đủ hoặc mất đi quá nhiều do tiêu chảy, ói mửa, sốt cao, xuất huyết... sẽ biểu hiện bằng triệu chứng khát nước. Khi khát nước, tức là cơ thể đang thiếu nước và cần phải bổ sung kịp thời. Nếu không, mất nước gây tình trạng bứt rứt không yên, kém ăn, tay chân tê dại, thở nhanh, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng cao, ở trẻ em có thể dẫn đến co giật gọi là làm "kinh". Mất nước nặng được coi là cấp cứu y tế, vì nó có thể dẫn đến sốt, nhịp tim nhanh, thở nhanh, ít hoặc không đi tiểu, huyết áp thấp và mê sảng. Khi bị mất nước đến một độ nhất định có thể gây tử vong.
Theo Điều 24 của Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mục Sức khỏe và dịch vụ y tế: "Trẻ em có quyền được chăm sóc y tế có chất lượng tốt; hưởng mức cao nhất có thể đạt được về sức khỏe; được tiếp cận nước uống an toàn, thực phẩm giàu dinh dưỡng và môi trường an toàn; được cung cấp thông tin để giúp duy trì sức khỏe tốt".
Tại Việt Nam, học sinh có những cách tiếp cận và tiêu thụ nước khác nhau, phụ thuộc vào nhà trường, gia đình và bản thân các em.
Sau một hoặc hai tiết học, Nguyệt đi bộ đến cuối dãy phòng để lấy thêm nước uống. Bên trên chiếc kệ sắt đã cũ màu thời gian là bốn bình nước đóng chai loại 20 lít. Cô học sinh lớp 11 tại TP HCM đưa tay vào nút vặn, rút khoảng 500 ml, tương ứng dung tích bình nước inox em mang theo tới lớp mỗi ngày. Trường không trang bị ly nước và học sinh tự lấy đồ dùng của mình mỗi khi cần.
Ngôi trường trung học phổ thông tại quận Tân Phú có bốn khu ba tầng. Tại mỗi tầng, chỗ lấy nước nằm ở vị trí cuối hai dãy hành lang, có 24 chỗ lấy nước cho khoảng 60 lớp học với gần 2.000 học sinh.
Nhưng không phải ai cũng giống Nguyệt dù mỗi tháng phải đóng 50.000 tiền nước.
"Nhiều bạn lười, chẳng bao giờ dùng đến vì chỗ lấy nước không gần lớp học và không có ca uống".
Chiếc bình inox Nguyệt sử dụng không phải là phổ biến trong môi trường học đường. Bình nước bằng nhựa hoặc chai nước suối là lựa chọn của đa phần bạn bè em.
VnExpress thực hiện một cuộc khảo sát nhanh cùng học sinh các cấp tại TP HCM, kết quả cho thấy hầu hết học sinh mầm non đều dùng nước ở trường và không mang theo từ nhà. Ở các cấp còn lại, đa phần trường học đều trang bị nước nhưng không phải lúc nào học sinh cũng uống từ nguồn này.
"Con mang theo từ nhà vì khu vực để nước uống chỉ có vài cái ca để dùng chung, như vậy không được vệ sinh lắm. Con không biết có phải đóng tiền cho trường khoản này hay không", Ngọc, cô học sinh lớp 6 tại quận Tân Bình cho biết.
Trong khi đó, một học sinh lớp 7 tại quận 11 cho biết trường em vẫn có bình nước nhưng đa phần các em mang nước từ nhà. Trường cũng có căn tin nhưng bán mỗi chai nước suối là 10.000 đồng và nước ngọt là 12.000 đồng. "Bạn nào không mang bình thì phải mua ở căn tin nhưng giá đắt, nếu không có tiền thì xin của bạn khác".
Báo cáo về y tế học đường năm 2016 cho thấy ở hạng mục thanh tra "Nước uống được cung cấp đủ và hợp vệ sinh", tỷ lệ ở khối mầm non là 99,28%, tiểu học là 99,18%, THCS 98,47% và THPT 98,97%.
Nước uống học đường là vấn đề mang tính toàn cầu. Báo cáo năm 2018 về nước uống và nhà vệ sinh tại trường học do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF thực hiện tại 92 quốc gia (không có Việt Nam), cho thấy 69% trường học toàn cầu có dịch vụ nước uống cơ bản. Khái niệm này có nghĩa là nước được lấy từ nguồn cải thiện như nước đường ống, lỗ khoan hoặc ống dẫn nước, giếng đào hoặc suối được bảo vệ, nước đóng chai hoặc có nguồn gốc an toàn từ cơ sở sản xuất uy tín. Điều này cũng đi kèm nước có sẵn ở trường tại thời điểm khảo sát.
Cứ 4 trường tiểu học hoặc 6 trường trung học thì có một điểm không có dịch vụ nước uống. Nhìn chung, gần 600 triệu trẻ em thiếu dịch vụ nước uống cơ bản tại trường. Chưa đến một nửa số trường học ở châu Đại Dương và hai phần ba trường học ở Trung và Nam Á có dịch vụ nước uống cơ bản.
Ở nhiều trường học tại các quốc gia, học sinh thường mang nước từ nhà khi trường học không có nguồn cung cấp nước uống riêng hoặc nước có sẵn không đủ hay chất lượng kém.
Tại Ấn Độ, 5% trường học cho biết nguồn nước chính của họ là học sinh mang từ nhà. Ước tính, những ngôi trường này là nơi học tập của khoảng 19 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học năm 2016. Báo cáo ước tính trong khi 88% dân số ở Ấn Độ sử dụng dịch vụ nước uống cơ bản tại nhà vào năm 2015, thì ở khu vực nông thôn chưa đến một nửa (49%) nước uống nằm trong khuôn viên và chỉ 2/3 (64%) không bị nhiễm bẩn .
Ở Quần đảo Solomon, nơi chỉ có 14% trường học có nguồn nước được cải thiện, 89% học sinh mang nước đến trường từ nhà. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn chỉ có một nửa dân số (56%) sử dụng dịch vụ nước uống cơ bản tại nhà và chỉ có 42% có thể lấy nước tại cơ sở vào năm 2015.
Trong khi 79% học sinh Palestine trả lời nước luôn có sẵn ở trường, 31% vẫn mang nước đến trường từ nhà. Điều này cho thấy một số học sinh có thể chỉ đơn giản là thích mang nước từ nhà của mình.
Tại Việt Nam, mang nước từ nhà cũng là lựa chọn phổ biến của học sinh.
Cách ngôi trường của Nguyệt hơn 50km, Thảo mang nước đi học mỗi ngày vì trường không trang bị hệ thống nước uống. Cô học sinh lớp 10 tại một huyện nhỏ ở tỉnh Đồng Nai không lạ lẫm với việc này bởi từ ngày đầu tiên cắp sách vào lớp 1, em chưa từng biết đến khái niệm "nước uống học đường".
"Mọi người tự mang nước đến lớp, mua ở căn tin, hàng quán hoặc là xin bạn bè", em đề cập về những lựa chọn uống nước. Trong số đó, không một tác nhân nào đến từ phía nhà trường. Học sinh cũng không để tâm đến vấn đề đó bởi đã quen từ lâu.
Ba Thảo cũng không mấy bận tâm bởi ông đã sắm cho em một bình nước xịn loại 500 ml cách nhiệt, có thể uống nóng hay lạnh tùy thích.
"Trước nay vẫn vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc trường trang bị nước cho con", vị phụ huynh vẫn cho rằng hệ thống giáo dục ở quê nên không đòi hỏi quá nhiều, tự lo cho con là được.
Thảo không tính được chính xác lượng nước em nạp vào mỗi ngày, nhưng có thể cho biết con số cụ thể uống ở trường là 500 ml - tương ứng với dung tích chiếc bình em được ba mua cho. Khi hết nước, Thảo ngừng uống hoặc mua thêm. Em không còn lựa chọn nào khác.
"Bạn bè hay xin nước nhưng em uống còn không đủ nên không thể cho được", Thảo kể về những người bạn không mang nước đến trường, lười đi mua hoặc không có tiền trang bị nước uống. Các em không có lựa chọn nào khác.
Đó là cách mà nhiều học sinh đến lớp mỗi ngày. Việc mang nước từ nhà đến trường có khi còn xuất phát từ nghi ngại về vấn đề an toàn và vệ sinh. Tuy nhiên, nguồn nước tại gia không phải lúc nào cũng đảm bảo đạt chuẩn.
Dữ liệu quốc gia về nước uống và vệ sinh trong các trường học không phải lúc nào cũng được phân tách bởi các trường thành thị và nông thôn nên việc so sánh chỉ là hạn hữu với một tập hợp con của các quốc gia. Mặc dù không thể đưa ra ước tính khu vực và toàn cầu cho tỷ lệ trường học ở nông thôn và thành thị đáp ứng các tiêu chí cho các dịch vụ cơ bản, nhưng WHO và UNICEF ước tính năm 2016: 11% trường thành thị và 27% trường nông thôn tại Việt Nam không có dịch vụ nước uống.
Nước là thành phần quan trọng đối với cơ thể nhưng đây không phải trọng tâm suy nghĩ của học sinh mỗi ngày đến trường, vì trước mắt các em luôn là nhiều lựa chọn khả dĩ khác.
"Hàng quán bên ngoài trường rất nhiều, các bạn đi học tiện thể ghé mua", Nguyệt kể về hàng chục xe hàng rong trước cổng trường. Bên trong cổng trường, ngoài nước suối thông thường, căn tin có đa dạng chủng loại thức uống và dung tích.
Cuộc sống thời 4.0 cũng mang đến những lựa chọn khác cho học sinh chỉ với vài cú quẹt tay. Trà sữa, nước ép, cà phê... đều có thể được giao đến tận trường chỉ trong khoảng nửa tiếng thông qua các ứng dụng công nghệ. Các em chẳng có lý do gì để quá bận tâm liệu trường có trang bị nước hay không và sâu hơn là liệu số nước đó có đủ và đảm bảo an toàn. Bên ngoài kia, mọi thứ được đánh giá "hấp dẫn và đỡ tốn sức hơn".
Ly và rác thải nhựa đi ra, theo con đường quen thuộc ấy, mang đến những nỗi lo khác cho xã hội. Nhưng vấn nạn vĩ mô ấy không thể kiểm soát nếu học sinh không tìm ra cách uống nước khả dĩ hơn, hoặc những hình thức giáo dục trở nên bớt lý thuyết và kém gần gũi với cuộc sống.
Theo WHO và UNICEF, dù thế nào đi nữa, trường học cuối cùng cũng có nhiệm vụ đảm bảo đủ số lượng nước uống an toàn có sẵn cho tất cả học sinh trong suốt ngày học.
Trong báo cáo, ông Kelly Ann Naylor, Giám đốc toàn cầu mảng nước, vệ sinh và nhà vệ sinh của UNICEF mô tả nếu giáo dục là chìa khóa giúp trẻ em thoát nghèo, tiếp cận với nước và vệ sinh là cánh cửa giúp các em tối đa hóa giáo dục một cách an toàn. Việc này nếu lơ là sẽ là một bất cẩn với cuộc sống và sức khỏe của trẻ em.
"Tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí để ưu tiên lắp đặt và duy trì dịch vụ nước, vệ sinh và nhà vệ sinh cơ bản tại tất cả trường học".
Còn với Nguyệt, em không đòi hỏi gì hơn ở một hệ thống nước uống được cung cấp thường xuyên và sẵn sàng đi lấy nước dù ở khoảng cách xa.
Với Thảo, em hài lòng với bình nước tự mang từ nhà bởi mọi thao tác vệ sinh và lấy nước chỉ mất khoảng chưa đầy năm phút trong quỹ thời gian mỗi buổi sáng trước khi đến trường.
Các em chưa từng nghĩ đến một sự cải thiện ở cấp độ cao hơn, bởi nó nằm ngoài suy nghĩ đơn thuần của một học sinh.
Nguồn VNE
Nội dung: Trương Sanh
Thiết kế: Lợi Nguyễn