Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Một quyết sách chiến lược xoay chuyển tình thế
Phần 2: Giành lấy dư luận và chính nghĩa cho ta
Thứ tư: 10:30 ngày 23/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những gương hy sinh phấn đấu anh dũng của các đảng bộ miền Nam đã nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam.

50 năm non sông liền một dải:

Trong khi đấu tranh dưới những khẩu hiệu dân sinh dân chủ, yêu cầu của nhân dân không phải chỉ nhằm giải quyết một số quyền lợi trước mắt mà yêu cầu của nhân dân là tiến lên đánh đổ Mỹ - Diệm ở miền Nam, để cùng với miền Bắc thực hiện thống nhất nước nhà. Các hình thức đấu tranh cho quyền lợi thiết thân trước mắt đều bao hàm một nội dung chính trị sâu sắc: chống chiến tranh, chống chính sách nô dịch của Mỹ, chống chế độ độc tài, đòi hoà bình thống nhất, độc lập và dân chủ.

Đồng bào Kiến Phong (Long An) mít tinh phản đối Mỹ - Diệm đưa vũ khí từ Malaysia vào miền Nam để bắn giết nhân dân. Ảnh: tư liệu

Hội nghị kết luận, từ khi hoà bình lập lại đến nay, Mỹ - Diệm ra sức đàn áp khủng bố ác liệt hòng đè bẹp ý chí đấu tranh của nhân dân miền Nam để dập tắt phong trào cách mạng miền Nam. Chúng chú trọng trước hết tấn công vào Đảng ta nhằm tiêu diệt các cơ sở của Đảng là những hạt nhân tổ chức, lãnh đạo phong trào để thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa và căn cứ quân sự Mỹ và chuẩn bị chiến tranh.

Nhưng các đảng bộ ở miền Nam đã phấn đấu vô cùng anh dũng. Rất nhiều đồng chí đã bị tra tấn, tù đày và hy sinh anh dũng trong phong trào để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng của dân tộc, quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng cao cả của Đảng. Những gương hy sinh phấn đấu anh dũng của các đảng bộ miền Nam đã nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam. Tuy lực lượng của Đảng có bị tổn thất ở Nam bộ chất lượng của Đảng được tăng cường, tổ chức của Đảng tương đối ổn định và vững mạnh hơn khi hoà bình mới lập lại, Đảng đã phát triển cơ sở rộng hơn ở thành thị và trong những vùng tôn giáo. Như vậy là nhìn chung cả miền Nam, ta bảo tồn được cơ sở đảng, phong trào miền Nam căn bản được giữ vững và phát triển.

Tuy nhiên, từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị, từ hoạt động công khai chuyển sang hoạt động bí mật, các đảng bộ miền Nam đứng trước tình hình rất khó khăn phức tạp nên cần khắc phục một số khuyết điểm để đưa phong trào miền Nam tiến lên.

Học tập Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng khoá II tại miền núi Quảng Nam - Đà nẵng, tháng 6 năm 1959. Ảnh: tư liệu

Sau hoà bình lập lại, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi hiệp thương, đòi tổng tuyển cử theo Hiệp nghị Genève để thống nhất nước nhà là đúng, vì tuy khả năng đó rất ít nhưng chúng ta không thể bỏ, chúng ta phải hết sức tranh thủ để đẩy khả năng đó lên. Trong khi tranh thủ khả năng đó chúng ta cần làm cho toàn Đảng nhận rõ vấn đề mâu thuẫn giữa đế quốc và phong kiến với nhân dân ta căn bản không phải giải quyết bằng pháp lý mà phải giải quyết bằng cách mạng. Làm cách mạng đánh đổ một kẻ thù hung ác và đang nắm quyền thống trị như Mỹ - Diệm phải là đấu tranh cách mạng gian khổ lâu dài, nhưng nhất định thắng lợi. Các đảng bộ miền Nam trong mức độ khác nhau, chưa thấm nhuần tư tưởng đó nên trong một thời gian có tư tưởng ỷ lại vào pháp lý Genève, nên có nơi chưa chú trọng đầy đủ việc xây dựng thực lực cách mạng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh lâu dài, tiến lên đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm.

Chính vì không nhận rõ như thế nên khi gặp khó khăn, nhất là 20.7.1956 không có tổng tuyển cử, địch lại tăng cường đàn áp phong trào thì một số bi quan, chán nản, một số khác không tin tưởng đấu tranh chính trị, muốn trở lại đấu tranh vũ trang.

Sự nhận định về Hiệp nghị Genève và vấn đề tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam không được rõ ràng là do lập trường dân tộc độc lập và giai cấp đấu tranh trong Đảng không vững, không thấy được hết địch mà cũng không thấy hết ta. Đó là cơ sở chính của tư tưởng hữu khuynh biểu hiện trong việc lãnh đạo phong trào miền Nam.

Ở Nam bộ hữu khuynh rõ nhất là sự lãnh đạo của Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Ở đây có phần thoả mãn với phong trào công khai hợp pháp tương đối được rộng rãi. Chỉ đấu tranh cho các khẩu hiệu về dân sinh, dân chủ, không biết kết hợp với việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chống Mỹ. Trong một thời gian khá dài, việc xây dựng thực lực cách mạng qua phong trào công khai hợp pháp đó cũng không được chú ý, cơ sở phát triển chậm, phong trào bị hạn chế và chưa được vững chắc.

Ở Liên khu V, tư tưởng ỷ lại vào Hiệp nghị Genève đã làm giảm sút khả năng cách mạng của đảng viên và quần chúng, làm giảm ý chí quyết tâm đối phó với sự tấn công của địch, làm cho sự vận dụng phương châm và phương pháp đấu tranh thiếu sắc bén, thiếu sáng tạo. Vấn đề trọng yếu là phải ra sức củng cố lập trường cách mạng cho cán bộ và đảng viên. Kinh nghiệm cho thấy ở Nam bộ sau khi học tập đường lối cách mạng miền Nam, tư tưởng đảng viên được ổn định và phấn khởi.

Từ sau hoà bình ở miền Nam, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã đổi mới. Địch dùng vũ lực tấn công ta còn ta thì dùng lực lượng quần chúng đấu tranh chính trị mà phòng ngự.

Cho nên phải biết thủ như thế nào để ít tổn thất và có lợi nhất để bảo tồn cơ sở, đồng thời có thể phát triển lực lượng của ta. Đó là phương hướng tiến lên của chúng ta để xây dựng thực lực cách mạng. Phải nhận rõ trong giai đoạn thế thủ phải tranh đấu thế nào để giữ mình, nhưng trong thế thủ phải biết từng mặt, từng lúc giành lại chủ động, tấn công địch bằng tuyên truyền cho sắc bén và đúng đích. Không biết tấn công địch giành lại chủ động thì không thể giữ vững phong trào.

Về mặt tổ chức, phải biết bố trí lực lượng cán bộ lại theo thế thủ, nghĩa là chủ động thu hẹp, thu gọn tổ chức lại, sắp xếp cán bộ cho hợp với khả năng và hoàn cảnh của mỗi người, triệt để che giấu lực lượng. Không làm đúng phương hướng ấy, phong trào bị tổn thất, dễ bộc lộ lực lượng phiêu lưu tấn công địch, dễ bị địch đánh phá trúng cơ sở gây thiệt hại cho phong trào.

Ở Nam bộ, một số đồng chí lãnh đạo các địa phương vì không nhận rõ phương hướng trên đây nên có nơi đã làm tổn hại đến lực lượng cách mạng, ở Liên khu V cũng vì không nhận rõ phương hướng đó nên về mặt tổ chức lúc đầu không kiên quyết và kịp thời đổi mới, không bảo đảm bí mật. Về mặt đấu tranh không tạo được thế hợp pháp cho quần chúng để che giấu lực lượng của Đảng, và trong một thời gian khá dài đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh dưới những khẩu hiệu chính trị cao, ra mặt đối lập với địch làm bộc lộ lực lượng nên đã gây tổn thất cho phong trào vùng trung du.

Lúc đầu ta chưa thấy hết tính chất độc tài phát xít của chính quyền Mỹ - Diệm, nhận không đúng mức sự tàn bạo và hung ác của chúng nên sự chuẩn bị đối phó với địch ta làm không đúng mức. Dựa vào quân đội, cảnh sát và bộ máy chính quyền, chúng dùng vũ lực đàn áp quần chúng, cho nên ta chưa có thể đưa quần chúng chống lại chúng ngay bằng những khẩu hiệu chính trị và những hình thức cao. Muốn chống lại chúng phải xoay quanh các vấn đề về dân sinh và dân chủ để tập hợp quần chúng đi từ thấp và dần dần mở rộng và nâng cao phong trào. Qua các phong trào ta mới có thể xây dựng lực lượng làm cơ sở vững chắc đưa phong trào ngày càng lên cao. Vì chưa nhận thức đúng như thế nên trong lãnh đạo đấu tranh có khi ta phiêu lưu đưa quần chúng đấu tranh với khẩu hiệu chính trị cao bị địch đàn áp, cơ sở bị tan vỡ.

Mặt khác, chúng ta cũng không thấy hết chỗ yếu của địch. Bản chất phi nghĩa của Mỹ - Diệm trong tình hình hiện nay làm cho chúng ở vào thế cô lập. Vì bản chất phi nghĩa của chúng như thế nên chúng không được nhân dân đồng tình. Càng khủng bố, đàn áp, uy thế chính trị của chúng ngày càng sa sút. Đó là chỗ yếu căn bản của địch. Phải luôn luôn chủ động tấn công địch bằng tuyên truyền, để thắng địch hằng ngày, hằng giờ, giành lấy dư luận và chính nghĩa về ta, làm cho nội bộ chúng phân hoá, tê liệt. Qua quá trình vận động ấy mà mở rộng mặt trận chống Mỹ - Diệm và phát triển cơ sở trong quần chúng, đưa phong trào tiến lên vững chắc. Đó là phương pháp phòng ngự tốt nhất.

Kinh nghiệm ở Nam bộ, chúng ta đã biết dùng tuyên truyền tấn công địch, làm tê liệt từng tiểu đoàn đi càn quét đánh phá vào vùng căn cứ cũ của ta. Địch đã không sử dụng được quân đội để đánh phá ta mà trái lại tư tưởng binh lính chúng lại biến đổi có lợi cho ta.

Việt Đông

(còn tiếp)

 

 

 

Tin cùng chuyên mục