Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tiếp tục nằm trong nhóm các điểm đến thu hút đông du khách trong cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, năm 2024, du lịch tiếp tục là điểm sáng, doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ, khách du lịch đạt khoảng 5,6 triệu lượt người, tăng 9,7% so cùng kỳ. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tiếp tục nằm trong nhóm các điểm đến thu hút đông du khách trong cả nước.
Bà Nguyễn Lâm Nhi Thuỳ- Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group vùng miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh quảng bá về tranh Đông Hồ được trưng bày trên đỉnh núi Bà Đen
Để hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, Tây Ninh đã và đang tập trung cho công tác quảng bá du lịch- nhất là vào dịp cuối năm.
Trong đó, núi Bà Đen đang trở thành biểu tượng và trung tâm dẫn dắt, tạo sức hút mới cho ngành Du lịch của tỉnh. Phần lớn du khách đến tham quan quần thể du lịch nổi tiếng Khu du lịch núi Bà Đen- ngọn núi cao nhất Đông Nam bộ với hệ thống cáp treo hiện đại.
Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen ngày càng hoàn thiện, nâng cấp nhiều hạng mục, thu hút rất đông du khách- không chỉ trong dịp lễ mà cả những ngày nghỉ cuối tuần- kéo theo thúc đẩy tăng trưởng các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, dự kiến, lượng khách trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh. Từ đầu tháng 12.2024 đến nay, Tuần văn hoá Việt - Nhật lần đầu tiên được tổ chức trên đỉnh núi Bà Đen đã thu hút đông đảo du khách và lan toả hình ảnh đẹp của Tây Ninh không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Bà Nguyễn Lâm Nhi Thuỳ- Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group vùng miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh cho biết, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen không những là điểm đến tâm linh mà còn là không gian văn hoá, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều di sản văn hoá phi vật thể của Tây Ninh và cả nước.
Theo ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch đã và đang thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch hiện có, đặc biệt là liên kết vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki tham quan trưng bày tranh trên đỉnh núi Bà Đen.
Đến nay, trên toàn tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 8 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đã được Bộ VH,TT&DL công nhận.
Điểm nhấn của du lịch Tây Ninh được xác định là sản phẩm du lịch văn hoá gắn với Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen. Tỉnh tập trung phát triển nơi này thành điểm đến với nhiều sản phẩm đặc sắc, giữ vai trò trung tâm, có sức lan toả lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh.
“Đặc biệt, Tây Ninh đã đưa các văn hoá vật thể và phi vật thể của tỉnh để khai thác du lịch; quảng bá tốt hình ảnh đất nước, con người Tây Ninh trong các sự kiện giao lưu văn hoá” - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết.
Múa Khmer- một trong những điệu múa đặc sắc trong các hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, du lịch của Tây Ninh.
Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia múa trống Chhay-dăm trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách.
Trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Tây Ninh xác định tăng cường việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá- nhất là các di tích cấp quốc gia và di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tây Ninh cũng định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc sản nhằm thu hút đông đảo khách tham quan.
Tỉnh tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn; tổ chức các lễ hội, sự kiện thể thao, văn hoá, du lịch, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi và tìm ra hướng đi mới cho ngành Du lịch của tỉnh.
Cũng theo ông Trần Anh Minh, trong những năm qua, Tây Ninh đã định hướng phát triển kết nối đồng bộ nhóm các điểm tham quan trọng điểm (Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam) cùng với nhóm các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan toả (Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát) và hệ thống các di tích trên địa bàn mang đậm nét đặc trưng văn hoá, lịch sử riêng của Tây Ninh.
Múa tứ linh trong đại lễ mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đạo Cao Đài.
Tỉnh định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm- từ núi Bà Đen đến Toà thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Cùng với đó là các điểm đến mang tính kết nối, lan toả; trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hoá, lịch sử riêng của tỉnh Tây Ninh.
Phan Dương