Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cử tri, người dân đề nghị ngành chức năng tăng cường ra quân, kiểm tra, xử lý để kiểm soát tốt các vấn đề trên, góp phần bảo đảm sức khoẻ và an toàn, an ninh, trật tự.
Ghi nhận tại kỳ tiếp xúc đối thoại cấp tỉnh năm 2024 và tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND hai cấp vừa qua cho thấy, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự lo ngại về tình hình nổ pháo, tự chế tạo pháo trái phép và chất lượng hàng hoá cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết nguyên đán.
Cử tri, người dân đề nghị ngành chức năng tăng cường ra quân, kiểm tra, xử lý để kiểm soát tốt các vấn đề trên, góp phần bảo đảm sức khoẻ và an toàn, an ninh, trật tự.
Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra chất lượng hàng hoá và việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ truyền thống (Ảnh: Tâm Giang)
Từ mối nguy của hành vi tự chế tạo pháo nổ trái phép...
Chỉ còn hơn một tháng nữa tới tết nguyên đán, trên tuyến biên giới, tình trạng vận chuyển pháo lậu đang diễn biến khá phức tạp với nhiều vụ vận chuyển pháo trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ. Còn ở nội địa, tình trạng đốt pháo, tự chế pháo nổ gây mất an toàn cũng đang “nóng” lên. Trên thực tế đã có những vụ việc đau lòng do tự chế tạo pháo xảy ra.
Ngày 23.12 vừa qua, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà anh Đ. ngụ tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên khiến 6 người thương vong, chủ yếu là các thiếu niên từ 14 đến 17 tuổi phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Một ngày sau, Công an tỉnh chính thức xác định nguyên nhân vụ nổ là do nhóm thanh thiếu niên này đặt mua thuốc pháo qua mạng về tự chế và gây nổ.
Các nạn nhân bị bỏng và tổn thương nặng do tự chế tạo pháo cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Ảnh: Giang Phương)
Trước đó vào ngày 19.12.2024, tại xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, cháu K (sinh năm 2012) lên mạng xã hội đặt mua pháo nổ (pháo banh). Mua pháo về, cháu K lấy thuốc nổ trong pháo tự ý chế tạo lại; đang chế tạo thì xảy ra vụ nổ gây thương tích, cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hai vụ việc trên xảy ra trên địa bàn tỉnh là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn khi chế tạo pháo nổ trái phép. Tại kỳ tiếp xúc đối thoại cấp tỉnh năm 2024 và tiếp xúc cử tri của HĐND hai cấp gần đây, nhiều cử tri bức xúc về tình trạng nổ pháo, chế tạo pháo trái phép gây hậu quả nghiêm trọng và kiến nghị ngành chức năng tăng cường tuyên truyền cũng như kiểm tra, xử lý.
Theo Công an tỉnh, các vụ tự chế tạo pháo trái phép thường do các thanh thiếu niên, học sinh có tâm lý ham vui, tò mò, thích thể hiện bản thân, chưa nhận thức được hậu quả, hành vi vi phạm pháp luật, các vật liệu, nguyên liệu chế tạo pháo thường được trao đổi, mua bán thông qua mạng xã hội. Nhiều trường hợp tự chế tạo pháo trái phép theo hướng dẫn trên mạng xã hội gây ra cháy, nổ, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của mình và của người khác.
Công an tỉnh khuyến cáo các gia đình thường xuyên phối hợp nhà trường quản lý con em mình, kể cả quản lý việc sử dụng mạng xã hội, các mối quan hệ bạn bè, không để tự ý trao đổi, mua, bán vật liệu chế tạo pháo nổ trái phép. Địa phương, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đối với thanh thiếu niên, học sinh về những tác hại, hậu quả do sử dụng, chế tạo pháo trái phép gây ra.
Công an tỉnh cũng khuyến cáo, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chế tạo pháo trái phép phải kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý. Người dân chỉ mua, sử dụng pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (theo quy định tại Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27.11.2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo).
...Đến hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn
Đây cũng là những nỗi lo ngại được nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh, kiến nghị tới lãnh đạo tỉnh trong chương trình tiếp xúc đối thoại cấp tỉnh năm 2024 và tiếp xúc cử tri sau kỳ họp vừa qua.
Cử tri Võ Hồng Khuê (khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) cho rằng, tết đến cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo, mứt, nước ngọt… tăng lên. Qua theo dõi thông tin trên báo chí, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không bảo đảm vệ sinh hoặc dùng chất hoá học quá nhiều trong chế biến thực phẩm.
Trong khi đó, ý thức của người dân nhìn chung chưa cao, họ thường sử dụng những gì “ngon miệng” mà nhiều khi “quên” quan tâm đến xuất xứ, dẫn đến những tác hại về lâu dài cho sức khoẻ.
“Tôi cũng kiến nghị chính quyền các cấp chỉ đạo ngành chức năng tăng cường quản lý trong dịp tết nguyên đán bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn cho sức khoẻ người nhân” - bà Khuê kiến nghị.
Còn tại buổi tiếp xúc đối thoại cấp tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Hữu Nhân (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu) cho biết, người dân bức xúc vì tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường, không chỉ tổn hại đến kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đây cũng là nội dung được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn bằng văn bản đối với Giám đốc Sở Công Thương tại kỳ họp thứ 16 vừa qua.
Trả lời nội dung này, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, hiện nay, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hàng hoá bày bán, lưu thông trên thị trường thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai ở các cơ quan, đơn vị liên quan.
Năm 2024, Sở Công Thương phối hợp với đơn vị đào tạo tổ chức 1 lớp tập huấn phổ biến tuyên truyền kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự tham gia của trên 90 học viên là cán bộ, công chức quản lý nhà nước; cán bộ hội, ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong năm, Sở cũng đã thực hiện 4 đợt kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp lễ, tết theo kế hoạch. Qua đợt kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra 42 cơ sở, có 4 cơ sở vi phạm bị xử lý (3 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính trên 21,5 triệu đồng, 1 cơ sở chuyển Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý).
Hành vi vi phạm chủ yếu là công nhân tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; niêm yết giá và nhãn sản phẩm chưa đúng quy định; khu vực sản xuất có côn trùng động vật gây hại xâm nhập; quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Như vậy, công tác kiểm tra năm 2024 của ngành đã thực hiện được nhiều hơn so với năm 2023.
Bên cạnh đó, để khắc phục, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh.
Các Đội quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, ký cam kết theo quy định; kiểm tra ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới vào nội địa, các điểm tập kết, lên xuống hàng hoá.
Hiện nay, trước với sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường đã rà soát, phân loại website bán hàng, sàn thương mại điện tử để xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Lực lượng cũng phối hợp với các ngành chức năng trong việc thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để hoạt động thương mại điện tử ngày càng minh bạch, phục vụ tốt người tiêu dùng.
Lực lượng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hoá thường xuyên, kiểm tra theo chuyên đề để đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ; xử lý vi phạm đối với hành vi găm hàng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết và các hành vi gian lận thương mại khác...
Tính riêng 11 tháng năm 2024, Cục Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện gần 60 vụ kiểm tra, trong đó có 50 vụ vi phạm, đã xử lý 48 vụ, tổng thu nộp ngân sách trên 509 triệu đồng, hàng hoá buộc tiêu huỷ trị giá trên 220 triệu đồng.
Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của cử tri, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành tăng cường tuyên truyền và ra quân kiểm tra hàng hoá tại các điểm chợ, các cơ sở kinh doanh.
Cùng với nỗ lực của chính quyền, ông mong người dân chú ý trong việc mua bán, sử dụng hàng hoá, thực phẩm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và thương hiệu uy tín.
Tuệ Lâm