Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trào lưu nuôi chim Aviary: Chính quyền ở đâu
Thứ sáu: 01:01 ngày 27/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Địa phương nào cũng nói nhiều về du lịch xanh, du lịch bền vững, giữ gìn bảo vệ thiên nhiên nhưng nhiều nơi không thực hiện nghiêm chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ chim hoang dã - di cư…

Cứ nhìn vào trào lưu nuôi chim Aviary nở rộ hiện nay là đủ thấy.

Thời gian gần đây, trào lưu nuôi chim aviary (lồng chim lớn) nở rộ, đi kèm là chuyện khắp nơi tổ chức các cuộc thi chim hút mật - một thực tế đáng buồn và đáng lo ngại, bởi đã vô tình đẩy nhiều loài chim hoang dã đến bờ vực nguy hiểm.

Các nhiếp ảnh gia trong lĩnh vực chụp ảnh chim hoang dã than thở: vài năm trước, việc chụp chim hút mật với hoa đào ở Đà Lạt mỗi độ xuân về khá dễ, nhưng năm rồi tìm đỏ mắt mới thấy lác đác vài con, đặc biệt là chim trống (vì nó đẹp hơn chim mái).

Vào tháng 10-2024, công ty Wildtour và Birdlife International đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh ở TP.HCM, Đà Lạt, Di Linh (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai) và Kon Tum tại 36 cửa hàng bán chim, ghi nhận tổng cộng 5.584 cá thể của 82 loài chim (songbird) được bày bán.

Trong đó, chào mào là loài được bán phổ biến nhất với 1.721 cá thể được ghi nhận.

Đáng chú ý hơn, một số loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như khướu ngực cam (loài đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt) và khướu hông đỏ Việt Nam (gần như đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt) cũng được bày bán tại một số cửa hàng.

Kết quả khảo sát cũng ghi nhận 10 loài chim hút mật tại các cửa hàng, đặc biệt tập trung tại các cửa hàng ở TP.HCM. Trong đó hút mật họng tím và hút mật họng hồng là các loài được ưa chuộng và mua bán phổ biến nhất.

Các khu vực như Vườn quốc gia Tràm Chim, Vườn quốc Bidoup (cao nguyên Lâm Đồng), Vườn quốc gia Cát Tiên, cao nguyên Kon Tum là những điểm đến hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia và du khách đam mê quan sát chim.

Du lịch xem chim không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo mà còn có sức hút lớn với nhóm khách cao cấp - những người sẵn sàng chi trả cao để tận hưởng các dịch vụ riêng, nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái sang trọng và tham gia các tour chuyên biệt với hướng dẫn viên chuyên môn.

Đây là loại hình du lịch phát triển bền vững, vừa tạo ra nguồn thu kinh tế vừa khuyến khích bảo tồn thiên nhiên.

Việc săn bắt chim hoang dã đã tồn tại từ lâu, nhưng quy mô và mức độ hiện nay đã vượt xa kiểm soát.

Chim hoang dã, đặc biệt là những loài có tiếng hót hay hoặc bộ lông đẹp, như khướu hay chim hút mật…, trở thành mục tiêu hàng đầu.

Những chiếc bẫy bằng lưới, keo dính, thậm chí bằng thuốc mê được giăng khắp nơi, từ rừng núi, đồng bằng đến các khu bảo tồn thiên nhiên.

Vào đầu tháng 12-2024, các thành viên CLB nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã đầy bức xúc trước một clip của một người kinh doanh thức ăn cho chim. Nội dung clip cho thấy người này ở trong một chuồng chim aviary lớn đang nhốt cả trăm con chim hút mật trống.

Cơ sở kinh doanh thực phẩm cho chim này cũng là nhà tài trợ thường xuyên cho các cuộc thi chim hút mật đang nở rộ trên cả nước, công khai, "hồn nhiên" coi đó là thú chơi vì "yêu thiên nhiên". Những người theo đuổi thú vui này cũng biết rằng tỉ lệ nuôi chim hút mật sống được là khá thấp.

Việc không kiểm soát nạn săn bẫy chim hoang dã không chỉ khiến số lượng các loài chim giảm mạnh mà còn phá vỡ sự cân bằng sinh thái.

Chim hoang dã đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, như thụ phấn cho cây cối, kiểm soát sâu bệnh và duy trì vòng tuần hoàn của tự nhiên. Khi các loài chim bị săn bắt và buôn bán, vai trò này bị suy giảm, kéo theo những hệ lụy khó lường cho môi trường.

Đặc biệt, chim hút mật - loài đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn - đang bị bắt về làm cảnh, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không còn những con chim hút mật bay lượn, nhiều loại cây cần thụ phấn tự nhiên đã và sẽ còn bị suy giảm về số lượng, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái.

Cụ thể hơn, có 4 vấn đề phải trả giá cho việc không kiểm soát nghiêm túc nạn săn bắt chim hoang dã gồm:

Phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên: sự vắng mặt của các loài chim trong tự nhiên gây mất cân bằng, ảnh hưởng đến các loài khác trong hệ sinh thái.

Tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm: việc nuôi nhốt và buôn bán chim hoang dã làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang các loài nuôi khác và cả người.

Bao giờ thì chính quyền các địa phương sẽ thực thi nghiêm túc việc ngăn chặn nạn săn bắt chim hoang dã theo đúng tinh thần chỉ thị 04 của Thủ tướng? Làm tốt việc này có ý nghĩa hơn nhiều lần các cuộc hội thảo về du lịch xanh, phát triển bền vững.

Nguồn TTO 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục