Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ 1/1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C do địa phương quản lý có quy mô dưới 4.600 tỷ đồng.
Chiều 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với hơn 92% đại biểu tán thành.
Theo đó, mức vốn để xác định tiêu chí dự án đầu tư công quan trọng quốc gia là 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần hiện nay (10.000 tỷ đồng). Tiêu chí vốn với các dự án nhóm A, B và C tăng 2 lần.
Dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 240 tỷ đồng; nhóm B đến 4.600 tỷ và nhóm A là các dự án ở một số lĩnh vực, có vốn đầu tư trên 4.600 tỷ đồng.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội vẫn quyết định chủ trương với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (vốn 30.000 tỷ đồng). Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng trở lên, do Bộ, cơ quan trung ương quản lý.
HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý hoặc dự án giáp ranh giữa hai tỉnh, có tổng mức đầu tư từ 4.600 tỷ đồng trở lên.
Điểm mới ở lần sửa đổi lần này là từ 1/1/2025, Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B và C (vốn dưới 4.600 tỷ đồng) do địa phương quản lý (hoặc dự án giáp ranh giữa hai tỉnh), thay vì HĐND.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật, chiều 29/11. Ảnh: Media Quốc hội
Báo cáo giải trình tiếp thu trước khi Quốc hội thông qua luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc chuyển quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ thẩm quyền của HĐND sang UBND các cấp là thay đổi lớn. Vì thế, cần đánh giá kỹ, toàn diện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhận định này. Tuy vậy, thực tế Luật Đầu tư công 2019 đã quy định việc giao UBND quyết chủ trương đầu tư dự án. Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025 có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.
Bên cạnh đó, các nội dung về duyệt đầu tư, thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành. Tức là, Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Còn HĐND giám sát việc thực hiện.
Tuy nhiên, với các dự án, chương trình đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư trước ngày 1/1/2015, đã bố trí vốn nhưng chưa hoàn thành thì tiếp tục thực hiện.
Còn dự án đã xong thủ tục lập, thẩm định, đã trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và được quyết định chủ trương đầu tư trước 1/1/2025 - thời điểm luật này có hiệu lực, thì thực hiện theo Luật Đầu tư 2019.
Nguồn vnexpress