Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trị Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Quyết; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
6 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế nước ta tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, tăng trưởng kinh tế đạt 7,52% so cùng kỳ năm 2024, cao nhất trong cùng kỳ gần 20 năm qua.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11%; xuất khẩu tăng 14,4%; thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký hơn 21,5 tỉ USD, tăng 32,6%; số doanh nghiệp đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt hơn 152 ngàn doanh nghiệp, bổ sung vào nền kinh tế gần 2,8 triệu tỉ đồng.
Tại Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện. Kinh tế tỉnh duy trì đà tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2 con số; hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi rõ nét. Công tác thu ngân sách nhà nước được chỉ đạo quyết liệt, đạt khoảng 80% dự toán cả năm. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở mức khá, cao hơn trung bình của cả nước khi đạt gần 50% kế hoạch vốn.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quí III đạt 8,3% so cùng kỳ năm 2024, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quí IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm hơn 508 tỉ USD, GDP bình quân đầu người hơn 5.000 USD.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỉ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 4,5% - 5%.
Với kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3% - 8,5%), Bộ Tài chính ước tính nếu tăng trưởng quí III đạt 8,9% - 9,2% so cùng kỳ năm 2024 (cao hơn kịch bản 0,6% - 0,9%); quí IV đạt 9,1% - 9,5% (cao hơn kịch bản 0,7% - 1,1%). Quy mô GDP năm 2025 trên 510 tỉ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.020 USD.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỉ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 4,5% - 5%.
Cùng với việc khai thác cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, đầu tư tiếp tục được xác định là động lực chủ yếu, còn nhiều dư địa, tiềm năng, giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nữa cuối năm 2025. Đồng thời, hình thành và phát triển năng lực sản xuất mới, không gian mới, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Hội nghị đã tích cực thảo luận, tập trung đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế của các địa phương 6 tháng cuối năm bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước đã đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cả nước phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 tăng trưởng kinh tế từ 8,3% đến 8,5% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng năm 2026 đạt 2 con số. Mục tiêu Chính phủ đề ra phải ổn định nền kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; bảo đảm cân đối các nền kinh tế, thu đủ chi, xuất đủ nhập; tổng đầu tư xã hội huy động khoảng 2,8 triệu tỉ đồng; kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các mục tiêu đề ra rất khó, nhiều thách thức nhưng “không thể không làm” vì nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm 2026 và 2 mục tiêu chiến lược trong năm của nước ta. Do đó, Thủ tướng đề nghị, cả hệ thống chính trị với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ kết quả để cùng nhau hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra./.
Quỳnh Như - Tuấn Hưng