Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Với bóng đá Việt Nam, cả cầu thủ lẫn NHM, tấm HCV SEA Games môn bóng đá nam thực sự là thứ trái cấm đẹp đẽ, lấp lánh nhưng đầy chất độc, đã tàn úa bao nhiêu giấc mơ, bóp nghẹn bao trái tim, trở thành nỗi ám ảnh và cơn ác mộng tàn bạo nhất với hàng chục triệu người suốt gần 4 thập kỷ qua.

Thôi lần này, tại SEA Games 30, hãy uống nốt Chén Vàng đó hoá giải nỗi ám ảnh, nỗi ẩn ức để thanh thản bước vào những đấu trường sân cỏ lớn hơn, đẳng cấp hơn mà không gợn chút “lăn tăn” vì vẫn thiếu một danh hiệu nhỏ ở một đại hội thể thao cấp khu vực.

Tháng 4/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam, 3 năm sau khi Việt Nam tái tham gia Đại Hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 16 tại Phillippines, đánh dấu một bước chuyển quan trọng mang tính chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hoá của đất nước, sau một thời gian dài bị phong toả, cấm vận.

Tháng 11 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Đó cũng là thời điểm đoàn Thể thao Việt Nam chuẩn bị tham gia SEA Games 18 đầy đáng nhớ tại Chiang Mai (Thái Lan).

Trong bầu không khí chuyển đổi, mới mẻ, chứa chan biết bao hy vọng và cơ hội, thành tích thể thao, đặc biệt là bóng đá đã khiến tâm trạng của người dân Việt Nam phấn khích tột cùng, coi thành tích bóng đá là thông điệp hay nhất truyền tải tình đoàn kết, sức mạnh, năng lực của dân tộc Việt Nam ra khu vực.

Tháng 12 năm 1995, trời cũng lạnh như cắt da cắt thịt giống như mùa Đông năm nay. Tuy nhiên, trước những màn hình ti vi 14 inch nhỏ tí xíu, hàng chục triệu người Việt Nam, kể cả hâm mộ hay không hâm mộ bóng đá, đều theo dõi các trận bóng đá của ĐT Việt Nam một cách cuồng nhiệt và hăng say.

Những tiếng hô “Việt Nam vô địch”, những rừng cờ phấp phới tràn ngập phố phường là những thứ chưa xuất hiện ở SEA Games đó. Tất cả chỉ là những gương mặt hoan hỉ, rạng rỡ và đầy tự hào nhìn nhau trong đêm chiến thắng, sôi nổi bàn tán ở quán nước trà chén đầu đường, ở mọi cơ quan công sở, ở trường học và bệnh viện… Tất cả đem lại một bầu không khí bóng đá kỳ diệu mà lần đầu tiên nhiều người Việt Nam mới được hưởng, nhất là với thế hệ 8x đời đầu.

Quả là tuyệt vời. 4 năm sau SEA Games đầu tiên, bóng đá Việt Nam đã không những vượt qua vòng bảng, mà đánh bại Myanmar tại trận bán kết bằng cú quăng chân kỳ diệu của tiền đạo Trần Minh Chiến đưa bóng bay vào lưới, đem lại chiến thắng 2-1 cho ĐT Việt Nam, đoạt tấm vé vào đá chung kết với đội chủ nhà Thái Lan.

Niềm vui lâng lâng do chiến thắng đó đem lại đã khiến toàn bộ những cầu thủ tham gia SEA Games đó được vàng hoá thành thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam ở thời kỳ tái hoà nhập khu vực.

Đó là một thủ môn Nguyễn Văn Cường đậm chất con nhà võ Tây Sơn với kiểu bắt bóng khuỳnh tay, vung chân cực kỳ uy dũng. Đó là hàng thủ vàng gồm những hảo thủ hay nhất bóng đá Sài Gòn như Nguyễn Chí Bảo, Đỗ Văn Khải, Võ Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn và gương mặt trẻ Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam.

Những cầu thủ khác cũng hào hoa hết mực như Trần Công Minh, Nguyễn Hữu Đang, đặc biệt là Sơn “Công Chúa” (Nguyễn Hồng Sơn) và cặp tiền đạo của TP.HCM là Trần Minh Chiến và Lê Huỳnh Đức.

Bàn thắng loại Indonesia ở vòng bảng của Nguyễn Hữu Đang, pha quăng chân của Trần Minh Chiến, những pha treo bóng của Sơn “Công Chúa”, những cú sút như búa bổ hay đánh đầu uy lực của Huỳnh Đức đã in đậm vào ký ức của NHM bóng đá Việt Nam. Mãi mãi không phai mờ.

Cho dù, trong trận chung kết, ĐT Việt Nam đã để thua Thái Lan có siêu sao săn bàn Natipong Srithong-In 0-4, nhưng niềm tự hào của cả nước với thành tích bóng đá tại một SEA Games đáng nhớ đó đã vượt qua ranh giới bóng đá hay thể thao mà mang tính toàn dân tộc. Dễ hiểu tại các các tuyển thủ, khi về nước, được thưởng tới 100 triệu - một khoản tiền siêu khổng lồ vào thời điểm đó - và được chào đón như người hùng.

HLV Karl Heinz Weigang người Đức được “phong Thánh” một cách ngấm ngầm, mở ra trào lưu chuộng HLV ngoại ở bóng đá Việt Nam, đặc biệt tại các ĐTQG. Những Hồng Sơn, Huỳnh Đức trở thành người hùng của trẻ em, đi vào nhạc chế của bài “Hổng Dám Đâu” được hát khắp Việt Nam; và niềm tin “Việt Nam vô địch” bắt đầu được gieo mầm và phát triển mạnh mẽ.

Thật sự, chưa bao giờ, bầu không khí cuồng nhiệt mang tính “quốc dân” do bóng đá mang lại đó xuất hiện ở Việt Nam. Chúng ta chỉ nói về bóng đá, bóng đá, và bóng đá và bước vào năm mới 1996 đầy lạc quan. Bởi thành tích đó là biểu hiện đẹp đẽ nhất cho những biến chuyển tích cực của chính trị, kinh tế và ngoại giao của Việt Nam vào đúng thời điểm mang tính “bước ngoặt” đó.

Và đấy cũng là thất bại duy nhất tại SEA Games mà bóng đá Việt Nam vẫn cảm thấy sung sướng, hạnh phúc và hài lòng. Nó vẫn đẹp long lanh, chưa nhiễm màu cay đắng, tủi nhục, và đau đớn như 5 trận chung kết SEA Games sau này, như 12 kỳ SEA Games sau này…

Thà rằng bóng đá Việt Nam vẫn chỉ “nguyên thuỷ” như ở SEA Games 16, khi những tuyển thủ được triệu tập rủ nhau đào ngũ vì nhiều lý do, khi nền bóng đá còn “lạc hậu” thì chuyện thành bại ở SEA Games cũng sẽ bình thường như “cân đường hộp sữa”, và thành tích nhận HCB năm 1995 cũng đủ sướng ngất ngây như U22 Cambodia lọt vào bán kết SEA Games 30 hiện nay.

Nhưng thật đáng tiếc, sau kỳ tích 1995, với sự bốc đồng không điểm dừng về năng lực và sức mạnh của bóng đá Việt Nam trong khu vực đã khiến những thất bại thành chứng ung thư di căn, còn giấc mơ vô địch trở thành liều thuốc hứa chỉ có trong mộng mị.

Ở SEA Games 2 năm sau tại Indonesia, một điều kỳ quái khác xuất hiện. Hàng nghìn NHM ở Hà Nội đang đêm cầm cờ Lào, cờ Việt Nam, chiêng trống kéo đến đại sứ quán Lào để ăn mừng bàn thắng của cầu thủ Keolakhon. Bàn thắng ở phút 89 vào lưới Malaysia đó đã giúp ĐT Việt Nam lọt qua khe cửa hẹp để vào bán kết và rồi lại trở thành bại tướng của Thái Lan.

Thật sự, Keolakhon và ĐT Lào cũng không thể biết, bằng cách quái nào mình lại trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam, được mời sang giao lưu, tiếp đãi trọng thị. Anh sẽ không bao giờ hiểu được bởi anh không bị ám ảnh bởi cái vinh quang của tấm HCV SEA Games đang càng lúc càng nặng nề với chúng ta.

Từ đây, việc ĐT Việt Nam sẽ vượt qua vòng bảng, đá bán kết hay chung kết SEA Games là đương nhiên - theo đánh giá của óc lạc quan từ NHM - và chuyện lấy vàng chỉ là ngày một ngày hai, và càng ngày niềm kỳ vọng đó càng một lớn hơn, bao trùm lấy tất cả.

Phép màu “HLV ngoại” tiếp tục được sử dụng sau tấm gương thành công của ông thày Weigang. Rất nhiều chiến lược gia đến từ các nền bóng đá lớn như Brazil (Dido, Edson Tavares), Đức (Falko Goetz), Anh (Colin Murphy), Áo (Alfred Riedl), Pháp (Christian Letard), Bồ Đào Nha (Henrique Calisto), Nhật (Toshiya Miura) đều đã thất bại trong việc hái vàng, giỏi nhất cũng là tái hiện thành tích của ông Weigang mà thôi.

Chen vào giữa những ông thày người ngoại quốc này, là 3 HLV nội như Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng và Nguyễn Hữu Thắng (người tiền nhiệm của HLV Park Hang-seo, không tính 1 trận tạm quyền của HLV Mai Đức Chung). Và họ đều bất lực trong việc hoá giải cơn khát và đều bị trả giá bằng công việc. Sau kỳ tích Chiang Mai, bóng đá Việt Nam còn 5 lần lọt vào trận chung kết SEA Games. Nhưng cả 5 lần đó đều trở thành 5 cơn ác mộng ám ảnh nền bóng đá nước nhà.

SEA Games 20 tại Brunei, cách đây tròn 20 năm, ĐT Việt Nam với đầy đủ nòng cốt của Thể Công như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Đức Thắng, Như Thuần, Quang Hà, Phương Nam cùng sự góp mặt của Huỳnh Đức. Thế nhưng, đội hình từng đánh bại Thái Lan 3-0 cách đó 1 năm đã lại để thua Thái Lan 0-2 trong trận chung kết, bắt đầu tạo ra hội chứng “sợ Thái”.

Chứng bệnh “sợ Thái” ngày càng phát tác, khiến nỗi bóng đá Việt Nam đều cầm chắc phần thất bại khi gặp đối thủ này. Tại trận chung kết SEA Games 22 năm 2003, chính chứng bệnh này đã khiến bóng đá Việt Nam lại bị vỡ mộng thu hoạch HCV.

Một thế hệ đầy hy vọng của Văn Quyến, Phan Văn Tài Em, Minh Phương, Hữu Thắng, Huy Hoàng, Quốc Vượng, Quốc Anh… đã gục ngã ngay tại “thánh địa” Mỹ Đình vừa được khánh thành với những quả bóng bị xích chặt làm điểm trang trí. Kết quả, U23 Việt Nam thua 1-2.

Cay đắng hơn, cơn ác mộng Vàng biến thành thảm hoạ tại SEA Games sau đó trên đất Phillippines. Vẫn tiếp tục bị U23 Thái Lan trêu ngươi bằng cách hạ gục trong trận chung kết, nhưng lần này, bóng đá Việt nam còn lĩnh nhận nỗi đau: những ngôi sao trụ cột như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh… bán độ và rơi vào vòng lao lý sau khi về nước.

Quả nhiên, cái tấm HCV môn bóng đá nam ở SEA Games là liều thuốc độc của bóng đá Việt Nam. Mười năm trước, tại Vientiane (Lào), hàng chục nghìn NHM Việt Nam ồ ạt xuất cảnh sang đây đợi chờ đón tấm HCV này. Con ngáo ộp Thái Lan đã bị loại ngay từ vòng bảng, đối thủ chỉ là U23 Malaysia đã từng thảm bại trước U23 Việt Nam ở vòng loại.

Thế nhưng, như một trò đùa ác độc, cái mà NHM đón nhận chỉ là hình ảnh HLV Calisto bóp cổ thủ môn Tấn Trường để lại nhiều thuyết âm mưu, nhiều nghi vấn không ai có thể giải đáp.

Bóng đá Việt Nam trở thành những kẻ tủi nhục tại đấu trường SEA Games, ngay cả khi chúng ta vừa vô địch AFF Cup, một bối cảnh hoàn toàn giống với những gì đang diễn ra với U22 hiện nay: ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, U22 lọt vào chung kết SEA Games 30, tái ngộ bại tướng vòng bảng là Indonesia…

Nỗi ám ảnh SEA Games cực kỳ quái, kiểu như một người đang chuẩn bị lấy bằng Tiến Sĩ – Giáo Sư lại bị ám ảnh bởi tấm bằng khen ở cấp tiểu học vậy. Cơn giày vò của bóng đá Việt Nam, của những người làm bóng đá, cầu thủ, NHM, báo chí thể thao vẫn vô cùng mãnh liệt.

Điều này không hề thấy ở nền bóng đá Thái Lan, họ đã sớm xác định coi SEA Games là nơi rèn tập chứ chẳng còn vinh quang gì. Điều này cũng không hề thấy ở Malaysia, Singapore… những nền bóng đá đều từng vô địch. Và ngay cả ở ĐT Nữ Việt Nam, cho dù có thất bại trong việc kiếm Vàng hay bảo vệ danh hiệu vô địch, mọi thứ vẫn nhẹ nhàng, như khi đăng quang vậy.

Chỉ ở các ĐT bóng đá nam dự SEA Games, cơn ám ảnh này mới hoành hành, bất chấp trong hai năm qua, bóng đá Việt Nam đã tiến bộ chóng mặt, thu hoạch những chiến tích còn vẻ vang gấp bội cái “hội làng SEA Games” như ở VCK U23 châu Á, tại Asian Cup, tại Á Vận Hội hay gần nhất là tại Vòng loại World Cup khu vực châu Á vậy.

Có cảm giác, mặc cảm SEA Games của môn bóng đá nam Việt Nam không khác gì mặc cảm Maracana của người Brazil tại VCK World Cup 1950 cả. Cho dù họ đoạt vô số Cúp Vàng thế giới sau “thảm hoạ” này, đang dẫn đầu thế giới với 5 chức vô địch World Cup, nhưng người dân nước này vẫn rền rĩ bởi ám ảnh này.

Ở phía trên, người viết có nhắc đến sự trùng lặp của kỳ SEA Games 30 này với SEA Games 25 cách đây 10 năm. Ngoài các yếu tố như vô địch AFF Cup (2008 và 2018), tái ngộ đấu thủ vòng bảng, còn là lấn cấn ở vị trí thủ môn khiến nhiều người duy tâm băn khoăn: Năm nay, ông Park sẽ bóp cổ ai?

Nhưng mọi thứ thật sự đã khác rồi. U22 Việt Nam đang tỏ rõ sự nổi trội về mọi mặt: kỹ thuật, chiến thuật và bản lĩnh thi đấu. Bản lĩnh là thứ thành công nhất mà HLV Park Hang Seo đã nhồi vào được đầu cầu thủ Việt Nam.

Nhờ thế, căn bệnh “sợ Thái” đã bị diệt trừ, qua nhiều trận đọ sức Việt - Thái trong 2 năm qua với kết quả thắng luôn nghiêng về Việt Nam, thậm chí, bây giờ bóng Thái có dấu hiệu mắc chứng “sợ Việt Nam”. Không chỉ bóng đá sợ mà cả truyền thông Thái Lan cũng đã e dè, lên gân bằng quá khứ.

Bản lĩnh là thứ giúp U22 Việt Nam tiến bước tại SEA Games 30 như ở chỗ không người. Có khi bị dẫn trước, có khi bị đối thủ tử thủ, có khi sai lầm tạo lợi thế lớn cho đối phương… nhưng lần nào, U22 Việt Nam cũng hoá giải thành công. So với các thế hệ từ Minh Chiến, Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Quyến, Việt Hoàng, Văn Sĩ Hùng… các cầu thủ U22 Việt Nam (xin không được nhắc tên của cầu thủ nào vì chỉ có một ngôi sao là ĐT U22 Việt Nam) và các tuyển thủ ở ĐT Việt Nam ghi bàn vào lưới Thái Lan và ở những trận đấu quan trọng nhẹ nhàng hơn, tự tin hơn, dựa vào bản lĩnh và tài năng hơn là may mắn.

Hôm nay, ngày 10/12/2019, U22 Việt Nam sẽ bước vào trận chung kết với cái đầu sáng suốt, giàu bản lĩnh. Họ sẽ giành lấy tấm HCV SEA Games, thứ Chén Vàng đã ảm ảnh các thế hệ bóng đá Việt Nam suốt gần 40 năm qua, uống cạn thứ rượu trong Chén Vàng đó để thanh thản đi tới những mục tiêu lớn hơn: Vòng loại thứ ba World Cup, VCK Asian Cup 2020 và cả World Cup nữa.

Thế nên, hãy chiến đấu một lần để nhẹ nhàng mãi mãi về sau. Giành lấy chiến thắng rồi trở về nhà. Năm sắp hết rồi, nhà bao việc!

Nguồn Bongdaplus.Vn