Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có văn bản chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, phổ biến kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, tháng 1.2025.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra từ chiều ngày 23.1 đến ngày 24.1 tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị. Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Hội nghị đã họp bàn, thông qua nhiều nội dung quan trọng như: báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số liên tục trong các năm...
Sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thống nhất cao, nghiêm túc thực hiện, đạt kết quả rất tốt; được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Kết quả tổ chức, sắp xếp bộ máy ở Trung ương đối với khối Đảng, đoàn thể, giảm 4 cơ quan Đảng Trung ương; 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn ở Trung ương; giảm 119 đầu mối cấp vụ của cơ quan, ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng 2 đảng uỷ trực thuộc Trung ương.
Khối Quốc hội, giảm 5 cơ quan của Quốc hội, 13 đầu mối cấp vụ, đơn vị.
Khối Chính phủ, giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ, 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương (100%); 519 cục và tổ chức tương đương; 219 vụ và tổ chức tương đương; 3.303 chi cục và tương đương; 203 đơn vị sự nghiệp công lập.
Toà án nhân dân các cấp giảm 227 đầu mối; trong đó giảm 2 đơn vị cấp vụ (cả cao và tối cao), 18 toà án chuyên trách cấp tỉnh, 28 đơn vị cấp phòng, 179 toà chuyên trách cấp huyện.
Viện Kiểm sát nhân dân giảm 108 đầu mối; trong đó giảm 6 đơn vị cấp vụ (cả cấp cao và tối cao), 102 đơn vị cấp phòng. Văn phòng Chủ tịch nước giảm 2 đơn vị cấp phòng; kiểm toán Nhà nước giảm 13 đơn vị cấp phòng.
Về tổ chức, sắp xếp bộ máy ở địa phương, từ tháng 10.2017 đến tháng 10.2024, khối Đảng, đoàn thể địa phương giảm 1.442 đầu mối cấp phòng; khối chính quyền địa phương giảm 4.633 đầu mối cấp phòng; 7.434 đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ tháng 11.2024 đến nay, khối Đảng, đoàn thể địa phương dự kiến giảm 66 đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và 264 cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng uỷ; 63 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp tỉnh; 644 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; 694 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp huyện. Khối chính quyền địa phương dự kiến giảm 340 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.438 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Tính đến ngày 30.6.2021, cả hệ thống chính trị có 2.858.241 biên chế, giảm 720.360 biên chế so với năm 2015 (20,13%), khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ. Từ năm 2022, lần đầu Bộ Chính trị thực hiện việc giao và quản lý biên chế trong toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 với tổng số 2.234.720 biên chế (giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức so với năm 2021). Đến tháng 12.2024, toàn hệ thống chính trị đã giao giai đoạn 2022-2026 là 2.228.546 biên chế, giảm 6.174 biên chế viên chức so với số biên chế Bộ Chính trị đã giao.
Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Hội nghị đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm; thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Trong bối cảnh đó nước ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực; quy mô GDP khoảng 476,3 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Xuất siêu ước đạt 24,77 tỉ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước vượt 19,8% so với dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 tăng 7,5%; vốn FDI đăng ký gần 38,23 tỉ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 25,35 tỉ USD, tăng 9,4%.
Hội nghị cũng đánh giá những khó khăn, hạn chế của nền kinh tế, dự báo tình hình thế giới, khu vực, những thuận lợi, thời cơ mới; xác định mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%-5%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Hội nghị định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật. Ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không cấm được thì buông”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cơ bản hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Áp dụng ngay các quy định đột phá về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công; triển khai hiệu quả quy định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; nâng cao cơ cấu tiêu dùng, cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp (Phấn đấu mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên). Chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về ngoại giao, kinh tế… để thúc đẩy thương mại hài hoà, bền vững với Mỹ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn của Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí; khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi.
Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số
Ban Chấp hành Trung ương cơ bản đồng tình với các Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số. Đây là mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được mức tăng trưởng cao nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá gồm: về đột phá thể chế phát triển; về cải cách tổ chức, bộ máy; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; thúc đẩy tăng trưởng các vùng động lực hành lang kinh tế và cực tăng trưởng; hình thành các động lực tăng trưởng mới, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu vực tư nhân, củng cố niềm tin thị trường; mở rộng thị trường và tăng tổng cầu tiêu dùng.
Qua Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển KT-XH năm 2025, các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tạo tiền đề vững chắc để tổ chức thành Đại hội XIV của Đảng.
Đăng Anh