Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Để trẻ em có sân chơi hè an toàn, lành mạnh
Bài cuối: Tháo gỡ “điểm nghẽn”, mở rộng sân chơi cho thanh, thiếu nhi
Thứ năm: 15:38 ngày 12/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ vướng mắc trong việc xã hội hoá sân chơi cộng đồng, các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện hay các thiết chế văn hoá cộng đồng còn những hạn chế trong công tác hoạt động cần được khắc phục.

Thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương nỗ lực tạo thêm sân chơi cho thanh, thiếu nhi, qua đó giảm thiểu xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ trong dịp hè. Tuy nhiên, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác xã hội hoá sân chơi cộng đồng, trong khi các thiết chế văn hoá thể thao khả năng phục vụ còn hạn chế, chưa thu hút nhiều thanh, thiếu nhi đến tham gia.

Chưa hấp dẫn

Nhiều năm qua, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thị xã Hoà Thành đã có nhiều nỗ lực xây dựng các sân chơi cho thanh, thiếu nhi và người dân trên địa bàn. Trụ sở mới được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất khá đầy đủ nhưng lại không thu hút được nhiều thanh, thiếu nhi đến tham gia các hoạt động. Vào ban ngày, hầu như không có hoạt động nào được tổ chức tại đây. Trung tâm chỉ đông đúc khi có các giải thi văn hoá, văn nghệ, thể thao.

Các trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã, phường trên địa bàn Thị xã còn gặp khó khăn gấp nhiều lần do kinh phí hoạt động rất thấp. Do đó, hầu hết các trung tâm đều vắng lặng cả ngày. Chỉ khi nơi này tổ chức các chương trình hoạt động mới có các em thiếu nhi đến tham gia. Bên cạnh đó, tuy các trung tâm được trang bị cơ sở vật chất, cụm trò chơi ngoài trời nhưng do không có kinh phí tu bổ dẫn đến tình trạng sân chơi bị bỏ không, không thu hút được các em thiếu nhi đến vui chơi.

Bà Bùi Kim Lệ Hằng- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành cho biết, hiện tại, trung tâm có đông người dân và các em thiếu nhi đến tập thể dục, vui chơi vào 2 khung giờ chính là sáng sớm và chiều tối. Không gian rộng rãi giúp các em vui đùa thoải mái, an toàn.

Tuy nhiên, cụm trò chơi thiếu nhi của trung tâm đã xuống cấp trầm trọng, chỉ còn vài thiết bị sử dụng được khiến các em nhỏ mất đi sân chơi. Các đầu sách trong thư viện đa phần đã cũ, các em cũng không còn mặn mà đến đọc. Điều này trung tâm rất trăn trở nhưng đến nay vẫn chưa vận động được kinh phí tu sửa hoặc xây mới, rất cần các ngành chức năng hỗ trợ cải tạo.

Sân chơi thiếu nhi tại Trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng xã Thạnh Đức, huyện Gò Dâu thu hút đông thiếu nhi đến vui chơi trong dịp hè.

Chung tình trạng, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu vào buổi sáng và chiều cũng vắng bóng thiếu nhi đến tham gia các hoạt động vui chơi. Các lớp năng khiếu thường được tổ chức vào buổi xế chiều và tối nên trung tâm chỉ nhộn nhịp vào thời gian này.

Nơi tập trung đông thiếu nhi đến vui chơi nhất là hồ bơi tại trung tâm do nhu cầu học bơi của các em tăng cao trong dịp hè. Tuy nhiên, theo đánh giá của trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất của các hồ bơi cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của thanh, thiếu nhi trên địa bàn. Còn khu vực thư viện của trung tâm rất đìu hiu, không có em thiếu nhi nào đến đọc sách hay tìm kiếm thông tin.

Ông Trần Minh Thảo Sơn- Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh  huyện Gò Dầu cho biết, hằng năm, trung tâm bổ sung trên 400 quyển sách cho các thư viện tại trung tâm và luân chuyển đến các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng trên địa bàn huyện để làm phong phú các đầu sách. Tuy nhiên, do sự phổ biến của internet, các em ít hứng thú với việc đọc sách tại thư viện, chỉ còn một số em đến mượn sách, tìm tài liệu.

Đây là tình trạng chung của nhiều trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh, các thiết chế văn hoá cộng đồng trên địa bàn tỉnh, chứ không riêng gì hai địa phương này.

Tháo gỡ khó khăn - mở rộng sân chơi

Một trong những tình trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh là có sân chơi nhưng chưa phát huy được hiệu quả, do bị “nghẽn” trong công tác xã hội hoá các sân chơi thể thao.

Ông Trần Minh Thảo Sơn- Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu chia sẻ, trước đây, huyện làm rất tốt công tác vận động xã hội hoá các sân chơi thể thao. Tuy nhiên, từ năm 2017, các hoạt động tại trung tâm bị thu hẹp do vướng Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo nghị định này, các quy định quá khắt khe, rất khó áp dụng vào thực tế các địa phương, nhất là các thiết chế văn hoá cộng đồng như hiện nay.

Sân cầu lông tư nhân tại huyện Gò Dầu góp phần tạo thêm sân chơi cho thanh, thiếu nhi.

Nhận định về điều này, ông Lê Văn Hiệp- Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Gò Dầu cho biết, nhiều sân chơi được xã hội hoá đã góp phần tạo môi trường vui chơi, rèn luyện sức khoẻ, phát triển năng khiếu trong dịp hè cho thiếu nhi trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP, các sân chơi thể thao bắt buộc phải được đấu giá như các quỹ đất sử dụng kinh doanh ở các lĩnh vực khác, phải đầu tư khá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư ngại đầu tư. Địa phương đề xuất tỉnh cũng như Trung ương thay đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP theo hướng thoáng hơn và nên có cơ chế đặc thù về quản lý tài sản công để việc xã hội hoá các sân chơi thể thao được dễ dàng hơn.

Không chỉ vướng mắc trong việc xã hội hoá sân chơi cộng đồng, các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện hay các thiết chế văn hoá cộng đồng còn những hạn chế trong công tác hoạt động cần được khắc phục.

Theo ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, hiện nay, qua đánh giá thực tế, các hoạt động vui chơi trong dịp hè đều tăng cao- nhất là các lớp rèn luyện thể chất, võ thuật, góp phần trang bị kỹ năng cho các em trong việc tự bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất văn hoá, thể thao của địa phương nhìn chung còn thiếu khá nhiều trang thiết bị, một số thiết bị hư hỏng sau nhiều năm sử dụng. Nhân lực ở các trung tâm chưa được tập huấn chuyên sâu về quản lý, điều hành, do đó, các hoạt động phong trào được tổ chức nhưng chưa thực sự phong phú, chưa có sức hút cao đối với thanh thiếu nhi tại địa phương.

Mặt khác, do nguồn kinh phí hạn hẹp, hầu hết các hoạt động đều phụ thuộc vào nguồn xã hội hoá nên địa phương không thể chủ động trong công tác tu bổ, xây thêm các sân chơi cộng đồng.

Để tạo điều kiện cho các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng nâng cao khả năng hoạt động, ông đề nghị tỉnh nên có chương trình tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ quản lý tại trung tâm; xem xét nâng cao mức kinh phí hoạt động cho trung tâm.

Việc tạo sân chơi vận động thể dục thể thao lành mạnh, an toàn là điều cần thiết đối với các em thiếu nhi. Đây là nhiệm vụ chung của các ngành chức năng, cộng đồng và xã hội. Để làm được điều này, các ngành chức năng mong muốn được “nới giãn” quy định và cơ chế trong việc xã hội hoá các sân chơi dành cho thanh thiếu nhi.

Ngoài ra, để đa dạng hơn sân chơi thiếu nhi, các địa phương cũng khuyến khích người dân đầu tư xây dựng các sân tư nhân như: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, bơi lặn, các môn học năng khiếu... góp phần đẩy mạnh phong trào vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ cho người dân nói chung và thanh, thiếu nhi nói riêng.

Ngọc Bích

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh