Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tắt sóng 2G, thương mại hóa 5G, thu hút đầu tư AI, bán dẫn hay siết chặt quản lý Internet là những điểm nổi bật của công nghệ Việt Nam 2024.
2024 chứng kiến nhiều biến chuyển tích cực trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt là về công nghệ cao như AI, bán dẫn, 5G. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn an ninh mạng, thông tin trên Internet cũng tạo ra những thách thức cần vượt qua.
Siết quản lý Internet bằng yêu cầu xác thực người dùng
Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành ngày 9/11 và có hiệu lực từ 25/12, tập trung vào mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử và tài nguyên Internet.
Bên cạnh các thay đổi nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép các dịch vụ, một trong những điểm nhấn của nghị định là xác thực người dùng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải định danh tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại Việt Nam, bảo đảm "chỉ tài khoản xác thực mới được đăng thông tin" như viết bài, bình luận, livestream. Quy định tương tự cũng được đưa ra với trò chơi điện tử, trong đó yêu cầu công ty game cần định danh người dùng và có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian trong ngày, đặc biệt người dưới 18 tuổi không chơi một game quá 60 phút trong ngày.
Người tiêu dùng xem livestream bán hàng qua mạng xã hội. Ảnh: Thành Nguyễn
Nghị định cũng yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, khóa trang vi phạm, không cho truy cập từ người dùng Việt Nam, công khai thuật toán phân phối nội dung.
Nghị định 147 được ban hành thay thế cho nghị định 72/2013 và 27/2018, vốn ra đời nhiều năm, không còn bao quát hết về các vấn đề thông tin điện tử. Trong khi đó, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, trang tin, trò chơi điện tử thời gian qua tại Việt Nam gây nhiều vấn đề tiêu cực như tin giả, tin xấu độc, lừa đảo mạng xuất hiện tràn lan. "Xác thực tài khoản sẽ hạn chế tình trạng 'vô danh nên vô trách nhiệm’ khi hoạt động trên mạng", Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết.
Mạng 5G chính thức thương mại hóa
Ngày 15/10, mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam được Viettel nhấn nút khai trương. Đến 20/12, VinaPhone trở thành nhà mạng thứ hai thương mại hoá 5G. Tốc độ Internet di động trong nước tăng hơn 30% trên bảng thống kê của Ookla Speedtest, đạt hơn 71 Mbps, xếp thứ 43 toàn cầu ngay trong tháng 10.
5G đến với người dùng một cách chính thức sau tám năm kể từ khi Việt Nam triển khai 4G. Đây là kết quả của quá trình dài chuẩn bị từ phía cơ quan quản lý cũng nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Cuộc gọi 5G đầu tiên được thực hiện năm 2019, trước được thử nghiệm thương mại năm 2021. Đầu 2024, khi phương án đấu giá băng tần được phê duyệt, ba nhà mạng đã chi hơn 12.000 tỷ đồng để sở hữu các tần số, hoàn thành một trong những điều kiện cuối cùng để triển khai 5G.
Ở thời điểm đầu triển khai, mạng 5G được đánh giá chưa ổn định, độ phủ còn thấp. Tuy nhiên, thế hệ mạng mới hứa hẹn tạo ra những thay đổi quan trọng như có thể đạt 1 - 1,5 Gbps, độ trễ gần như bằng 0, theo công bố từ các nhà mạng. Các yếu tố này không chỉ giúp tăng tốc tải dữ liệu, mà còn mở ra khả năng hiện thực hóa thành phố thông minh mà những thế hệ mạng cũ không thể đáp ứng do hạn chế kỹ thuật. Các dịch vụ yêu cầu phản hồi tức thì, như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển trong nhà máy thông minh, dịch vụ yêu cầu nhiều dữ liệu như video 4K/8K, AR chỉ có thể triển khai với 5G.
Những đột phá đó khiến 5G không đơn thuần là kết nối mạng thế hệ mới mà còn trở thành hạ tầng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số. Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% tỉnh, thành phố, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có dịch vụ 5G. Đến 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số.
Việc triển khai 5G cũng đánh dấu Việt Nam đang rút ngắn khoảng cách với thế giới về viễn thông cũng như tự chủ công nghệ. "Đây là lần đầu Việt Nam có thể song hành với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất", Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng cho biết. "Việt Nam gia nhập top 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc".
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc
Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử 2024 được Liên Hợp Quốc công bố tháng 9, Việt Nam đạt 0,7709 điểm về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử - EGDI. So với 0,6787 điểm ở lần công bố trước vào năm 2022, Việt Nam tăng 15 bậc từ thứ hạng 86 lên 71 trên thế giới, lần đầu chuyển từ mức "cao" lên "rất cao".
Chỉ số EGDI được tổng hợp từ ba thông số chính: Hạ tầng viễn thông, Nguồn nhân lực và Dịch vụ trực tuyến. Các chỉ số thể hiện mức độ chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tại Việt Nam, nhiều hệ thống nền tảng của Chính phủ điện tử đã được vận hành, giúp đổi mới cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Các hệ thống này có thể kể đến Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương từ tháng 3/2019; Cổng dịch vụ công quốc gia vận hành cuối 2019; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng khai trương tháng 8/2020.
Dù đạt kết quả tích cực, việc triển khai vẫn còn một số vấn đề, như chưa hình thành thói quen dùng dịch vụ công trực tuyến. Theo báo cáo tháng 12 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên cả nước đạt 45%, trong đó khối địa phương là 18%. Bộ đặt mục tiêu đến 2030, 70% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
"Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Nvidia mở hai trung tâm thúc đẩy AI, bán dẫn tại Việt Nam
Ngày 5/12, Chính phủ và Nvidia công bố hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của CEO Nvidia Jensen Huang trong việc biến Việt Nam thành "ngôi nhà thứ hai" với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại hiệu quả cụ thể".
Sự kiện cũng tạo tiền đề đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á. Các trung tâm không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến, ứng dụng AI, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mà còn tạo cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân tài trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng CEO Nvidia Jensen Huang dạo phố cổ sau khi ký kết thành lập trung tâm về AI, ngày 5/12/2024. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam được đánh giá có lực lượng lao động trẻ, năng động, am hiểu công nghệ và "đang nổi lên như điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo". Đồng thời, Chính phủ xác định AI là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia, cam kết tạo môi trường thuận lợi để các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Nvidia có thể đầu tư và phát triển lâu dài.
Ông Jensen Huang cũng nhận định đây là giai đoạn lý tưởng để Việt Nam xây dựng tương lai AI. Theo ông, sự thông minh của AI được đào tạo từ dữ liệu, và dữ liệu của Việt Nam là tài nguyên của quốc gia. "Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam nên được xử lý, xây dựng và vận hành tại đây, vì người dân và ngành công nghiệp Việt Nam", ông nói. Ngoài hai trung tâm, Nvidia cam kết hỗ trợ đào tạo nhân tài cũng như các dự án khởi nghiệp trong nước. Hãng cũng mua lại công ty trí tuệ nhân tạo VinBrain của Việt Nam. Trước đó vào tháng 4, Nvidia cũng hợp tác với FPT xây dựng AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản.
Mã độc tống tiền tấn công doanh nghiệp Việt
Từ quý I/2024, hàng loạt doanh nghiệp lớn bị tấn công, gây gián đoạn dịch vụ và có đơn vị phải chi hàng triệu USD để chuộc dữ liệu.
Ngày 24/3, website và hệ thống của công ty chứng khoán VnDirect bị mã hóa dữ liệu, ngừng hoạt động gần một tuần. Liên tiếp sau đó, nhiều đơn vị lớn như Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOIL, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Vietnam Post, một số doanh nghiệp về viễn thông, truyền thông, cũng được ghi nhận nhiễm mã độc tống tiền (ransomware), gây gián đoạn hoạt động, trong đó có những dịch vụ liên quan đến người dùng cuối.
Theo báo cáo của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), trong nửa đầu năm, số cuộc tấn công ransomware nhắm vào tổ chức, doanh nghiệp tăng đột biến 70% so với cùng kỳ năm ngoài. Ngoài ra, hơn 50 tổ chức "bước đầu bị tấn công", tức hacker đã len lỏi vào hệ thống chuẩn bị cho việc kích hoạt mã hoá nhưng được phát hiện kịp thời. Hacker còn thực hiện "tống tiền kép", tức vừa mã hoá vừa đe doạ công khai dữ liệu người dùng. Trong đó, 46 vụ lộ lọt đã làm rò rỉ khoảng 13 triệu bản ghi dữ liệu khách hàng, 12,3 GB mã nguồn và 16 GB thông tin nhạy cảm trong nửa đầu năm.
Tại cuộc họp quý IV/2024, Cục An toàn thông tin nhận định tin tặc "đã coi Việt Nam là một thị trường", tức có thể nhắm tới để kiếm lời. Ransomware được cung cấp dưới dạng dịch vụ, bất cứ ai có ý đồ xấu cũng thể thực hiện, khiến các nhóm tấn công nhỏ lẻ dần để ý đến khu vực mới như Việt Nam, kéo theo số nạn nhân trong nước ngày càng tăng.
Bị tấn công mạng, đặc biệt là mã hoá dữ liệu tống tiền, không chỉ gây gián đoạn dịch vụ, mà còn ảnh hưởng tài chính, uy tín của đơn vị, thậm chí là vấn đề pháp lý, khi các quy định về an toàn thông tin tại Việt Nam ngày càng siết chặt. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây cũng là "cơ hội" nâng cao nhận thức, thúc đẩy họ nhìn nhận lại khả năng phòng thủ, chuẩn bị phương án đối phó, trong bối cảnh chuyển đổi số và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức ngày càng gắn liền với thế giới mạng.
"Tắt sóng" 2G
Ngày 16/10, các nhà mạng tại Việt Nam chính thức ngừng cung cấp dịch vụ 2G tới người dùng. Mạng di động thế hệ thứ hai vào Việt Nam từ 1993, khởi đầu cho nhiều doanh nghiệp viễn thông cũng như người dùng di động trong nước, hoàn thành sứ mệnh sau 31 năm.
Để chuẩn bị cho việc này, hạ tầng mạng đã sẵn sàng với 4G phủ tới 99,8% dân số từ năm 2023. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là từ phía người dùng bởi khi "tắt sóng", những thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G Only) sẽ không thể kết nối mạng. Theo thống kê vào đầu năm, Việt Nam có khoảng 18 triệu thuê bao 2G, giảm không đáng kể so với những năm trước đó.
Điện thoại "cục gạch" Nokia trước thời điểm tắt sóng 2G. Ảnh: Lưu Quý
Để giải quyết thách thức đó, hàng loạt biện pháp được thực hiện, như ngừng nhập khẩu thiết bị 2G Only từ năm 2021, không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G "lậu" năm 2024. Hàng triệu thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G được nhà mạng, chuỗi bán lẻ di động giảm giá, thậm chí tặng và đến tận nhà hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Với cách làm được đánh giá "quyết liệt nhất từ trước đến nay", trước ngày tắt sóng, các nhà mạng còn khoảng hơn 200.000 người chưa nâng cấp thiết bị, chiếm dưới 0,2% số thuê bao tại Việt Nam, vượt mục tiêu còn dưới 5% đề ra trước đó.
Việc tắt sóng 2G mang lại nhiều ý nghĩa cho cả người dùng và nhà cung cấp. Người dùng được thúc đẩy chuyển đổi lên 4G, từ đó tham gia môi trường số, tận hưởng dịch vụ tiên tiến như thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Trong khi đó, nhà mạng được giảm tải, sẵn sàng hạ tầng, nhân lực cho các công nghệ mạng thế hệ mới như 5G, 6G.
Theo quy hoạch băng tần của Bộ Thông tin và Truyền thông, 2G hiện chỉ còn hoạt động tại một số khu vực như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK. Việt Nam cũng sẽ tắt sóng 3G vào 2028.
Nguồn Vnexpress