Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Khan hiếm đá xây dựng, cát san lấp tại các công trình giao thông
Thứ tư: 18:50 ngày 02/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, tình trạng khan hiếm đá xây dựng, cát san lấp gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công công trình, dẫn đến giá cả 2 loại vật liệu này tăng, gây khó khăn cho nhà nhầu khi giá thực tế cao hơn giá dự toán ban đầu.

Hiện nay, nguồn đá xây dựng phục vụ các công trình trong tỉnh đều được nhập về từ các tỉnh lân cận.

Giá cao

Một doanh nghiệp thi công lĩnh vực giao thông, xây dựng hạ tầng chia sẻ, tình trạng khan hiếm cát san lấp, đá xây dựng xảy ra khoảng hơn 1 năm nay.

Nguyên nhân do hiện nay nhiều công trình trọng điểm đang thi công ở các tỉnh, thành- nhất là các tuyến cao tốc nên nhu cầu về cát san lấp, đá xây dựng rất lớn.

Doanh nghiệp này cho biết thêm, nguồn cát san lấp để thi công các dự án giao thông chủ yếu là ở các tỉnh miền Tây đưa về do có giá thành rẻ. Các mỏ cát san lấp tại hồ Dầu Tiếng tuy có nhưng khối lượng không nhiều, giá thành cao hơn giá cát san lấp khai thác ở miền Tây.

Đối với đá xây dựng, trước đây, trong tỉnh có mỏ đá Lộc Trung nhưng khoảng 2 năm qua, khi mỏ đá Lộc Trung đóng cửa, nguồn đá xây dựng phục vụ các công trình trong tỉnh chủ yếu lấy từ các tỉnh lân cận như Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Nai… Các mỏ đá này cũng đang cung cấp cho các công trình trọng điểm ở các tỉnh, thành khác nên giá thành cao hơn so với giá dự toán khi tham gia dự thầu.

Tình trạng khan hiếm này dẫn đến nhiều khó khăn cho nhà thầu, có công trình đang thi công phải tạm dừng vài ngày để chờ nguồn cát san lấp, đá xây dựng.

Nguồn đất san lấp trong tỉnh bảo đảm phục vụ nhu cầu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ các công trình của tỉnh

Theo ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản nhằm phục vụ hiệu quả cho các công trình trọng điểm như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, các tuyến đường vành đai, khu công nghiệp và đô thị mới.

Tỉnh đã cấp 34 giấy phép khai thác, xác định cụ thể các khu vực mỏ với trữ lượng hợp lý, bảo đảm cung ứng ổn định cho nhu cầu xây dựng ngày càng tăng.

Tổng trữ lượng khoáng sản hiện có của tỉnh lên đến hàng trăm triệu m³, trong đó nổi bật là 276 triệu mét khối đất san lấp và gần 50 triệu mét khối đá xây dựng.

Tỉnh đã quy hoạch 9 điểm mỏ đất san lấp với tổng diện tích gần 380 ha, phục vụ mục tiêu phát triển đến năm 2030. Dự báo trong giai đoạn này, nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng đủ.

Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển hài hoà giữa kinh tế và môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác; đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ khai thác thân thiện, hệ thống giám sát thông minh theo quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024.

Với các biện pháp đồng bộ và quyết liệt, tỉnh đang từng bước xây dựng ngành khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

Nguồn cát san lấp khai thác từ hồ Dầu Tiếng có chất lượng tốt nhưng giá thành cao so với cát san lấp khai thác tại khu vực miền Tây nên các nhà thầu không ưa chuộng

Tính đến tháng 3.2025, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 34 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, trong đó: 14 giấy phép cát xây dựng với tổng trữ lượng cấp phép khoảng 7,9 triệu mét khối, công suất khai thác trung bình năm 465.100 m3/năm, trữ lượng còn lại khoảng 6,6 triệu mét khối; 20 giấy phép vật liệu san lấp với tổng trữ lượng cấp phép khoảng 6,3 triệu mét khối, công suất khai thác trung bình khoảng 1,2 triệu m3/năm, trữ lượng còn lại 3,5 triệu mét khối.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, năm 2025, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh bao gồm đá xây dựng các loại 2 triệu mét khối; cát xây dựng nguồn gốc sông, sông - hồ khoảng 1,7 triệu mét khối; đất sét làm gạch ngói 1,5 triệu mét khối; vật liệu san lấp 20 triệu mét khối.

Trong đó nhu cầu vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án trọng điểm như đá xây dựng các loại: 1 triệu mét khối; cát xây dựng nguồn gốc sông, sông - hồ 800 ngàn mét khối; vật liệu san lấp 8 triệu mét khối.

Ông Nguyễn Đình Xuân nhận định, nhìn chung nguồn cung cát xây dựng có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại, nhưng nguồn cung vật liệu san lấp có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu lớn, đặc biệt là từ các dự án trọng điểm.

Phần lớn các nhà thầu thi công công trình giao thông cho rằng, không thể phủ nhận nguồn cát san lấp khai thác ở hồ Dầu Tiếng có chất lượng tốt hơn so với cát san lấp khai thác tại khu vực miền Tây nhưng cái khó là giá thành lại cao hơn nên các nhà thầu khó sử dụng cho công trình vì giá cao.

Tấn Hưng

Tin cùng chuyên mục