Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thông tin tiếp bài báo “Khi vợ phải tố cáo chồng”
Thứ tư: 14:56 ngày 21/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Tôi đã nhường nhịn chồng trong suốt một khoảng thời gian dài, cũng như đã cho chồng nhiều cơ hội để hối lỗi về cách đối xử vũ phu của mình, nhưng xem ra tình hình ngày càng tệ hơn. Đã đến lúc tôi phải làm rõ cho anh ấy thấy hành động như vậy là sai, dù có thể chúng tôi sẽ không còn duyên nợ vợ chồng”, chị Như khẳng định.

Sau khi bị chồng đánh, chị Như phải nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng (ảnh chụp ngày 6.6.2017).

Vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng bài “Khi vợ phải tố cáo chồng”, phản ánh tình trạng của chị Phạm Lê Như (ngụ ấp Lộc Tân, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) bị chồng bạo hành. Sau khi báo đăng, Công an xã Lộc Hưng đã tiến hành xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với chồng chị Như. Tuy nhiên, chị Như không đồng ý với mức xử phạt này. “Bởi chồng tôi như không hề biết lỗi, thậm chí còn có những lời lẽ hăm doạ sẽ tiếp tục dùng vũ lực với tôi”, chị Như kể lại.

Ngày 14.6, chị Phạm Lê Như đã viết đơn gửi Công an xã Lộc Hưng “đề nghị phúc đáp” một số vấn đề mà chị cho là chưa thoả đáng. Theo đó, chị Như thắc mắc vì sao trong hai lần bị chồng đánh gần đây nhất ,chị đã viết 2 lá đơn tố cáo gửi Công an xã, cũng như cả hai lần bị bạo hành này chị đều phải nhập viện điều trị, nhưng Công an chỉ “gộp” lại xử chung thành một vụ việc? Cụ thể, sáng 23.5, chị bị chồng đánh vào vùng đầu gây chảy nhiều máu.

Ðến ngày 2.6, chị lại bị chồng đánh tiếp gây đa chấn thương phần mềm. Trong 2 giấy ra viện của Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng vào ngày 26.5 và 8.6 đều có chẩn đoán: “Chị Phạm Lê Như bị người khác đập, đánh, đá, vặn, cắn, cào; riêng vết thương đầu (trong lần ra viện ngày 26.5) là do bị đánh”; lần chị Như ra viện ngày 8.6 còn có phần chẩn đoán “đa chấn thương phần mềm do bị đánh”.

Công an xã đã áp dụng khoản 1, Ðiều 49 (về hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình) Nghị định 167/2013/NÐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ để xử phạt hành chính chồng chị Như 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên vẫn chưa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là: “Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại khoản 1 và 2 Ðiều này”. Công an xã Lộc Hưng cho biết sắp tới sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo luật sư Phạm Thanh Ðiền (Ðoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh): “người nào gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11%, nếu “có tính chất côn đồ” vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm i, Khoản 1, Ðiều 104, Bộ luật Hình sự hiện hành. Tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ thể hiện tại Văn bản số 38/NCPL ngày 6.1.1976 của Toà án nhân dân tối cao.

Theo đó, phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu là hành động xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, gây gổ, hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…”. Theo bà Phạm Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Hưng, trường hợp của vợ chồng chị Như đã diễn ra nhiều lần, vai trò của Hội Phụ nữ địa phương chủ yếu là hoà giải, đáng tiếc là những lần xảy ra gần đây càng nặng nề hơn.

Hiện tại, chị Phạm Lê Như đang làm đơn gửi các bệnh viện, phòng khám mà chị đã điều trị qua những lần bị chồng đánh trước đây để đề nghị được trích lục chứng từ có liên quan để làm cơ sở tiếp tục tố cáo chồng về hành vi đánh vợ nhiều lần. “Tôi đã nhường nhịn chồng trong suốt một khoảng thời gian dài, cũng như đã cho chồng nhiều cơ hội để hối lỗi về cách đối xử vũ phu của mình, nhưng xem ra tình hình ngày càng tệ hơn. Ðã đến lúc tôi phải làm rõ cho anh ấy thấy hành động như vậy là sai, dù có thể chúng tôi sẽ không còn duyên nợ vợ chồng”, chị Như khẳng định.

Khoản 1, Ðiều 49 Nghị định 167/2013/NÐ-CP nêu trên quy định: “Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”. Khoản 2 cùng Ðiều 49 quy định: “Phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối”.

Minh Quốc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục