Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực đã tác động đáng kể tới giáo viên và nhà trường.
Chuyển sang học trực tuyến
Chị Nguyễn Thi Hương (Nam Định) cho biết, ngay trước khi nghỉ Tết nguyên đán, giáo viên dạy môn Toán của con gái ở trường THCS thông báo lớp học thêm Thứ 7 hằng tuần tại nhà chuyển sang học trực tuyến. Chị Hương lại cập rập chuẩn bị thiết bị cho con để thực hiện theo yêu cầu của giáo viên. “Tại buổi họp phụ huynh hết học kì I, nhà trường yêu cầu giáo viên dừng các lớp dạy thêm ngoài trường. Ở huyện lẻ của tỉnh Nam Định, không có trung tâm bồi dưỡng văn hóa, giáo viên đều tổ chức dạy thêm tại nhà. Ngay sau khi nhà trường yêu cầu, một số môn mà con tôi đang học thêm, các giáo viên quyết định chuyển sang học trực tuyến”, chị Hương nói.
Giờ học ngoài lớp của học sinh tiểu học.
Thầy M.H.A, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho biết, thực hiện thông tư 29 các lớp dạy thêm ngoài trường của thầy sẽ dừng sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Thầy A có hai lớp dạy thêm ngoài trường tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Trong đó, có một lớp học sinh thầy đang giảng dạy trên lớp và một lớp học sinh ngoài trường. Phụ huynh đã gọi điện mong muốn thầy A sớm mở lại lớp dạy thêm, tuy nhiên, thầy A cho biết, với quy định tại thông tư mới, giáo viên phải đáp ứng các điều kiện (như phải báo cáo với người đứng đầu nhà trường, nơi đang công tác; không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền chính học sinh đang giảng dạy trên lớp…).
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) thông tin, một bộ phận học sinh đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Ông Thành cho rằng, cần khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.
“Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài trường sẽ có khó khăn khi báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục-nơi đang công tác. Bởi thông tư của Bộ GD&ĐT giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục quản lí giáo viên đang giảng dạy trong trường tham gia dạy thêm ngoài trường. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng giáo viên của trường dạy thêm không đúng đối tượng ngoài trường nên họ sẽ thận trọng khi cho phép giáo viên dạy thêm”, thầy A nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường đã quán triệt tới tất cả giáo viên trong trường 3 không: không tổ chức dạy thêm trong trường; không dạy thêm ngoài trường học sinh do mình giảng dạy; không tổ chức quản lí dạy thêm ngoài trường. Cùng với đó là 2 có: bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia đội tuyển của trường; tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho học sinh năm nay thi tốt nghiệp để đạt kết quả tốt. Hai nội dung này, nhà trường sẽ chi trả kinh phí theo quy chế chi tiêu nội bộ. Theo bà Yến, dù mức chi trả không cao, nhưng giáo viên ủng hộ và nhiệt tình tham gia.
Học sinh có không gian phát triển kĩ năng
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có những quy định mới và siết chặt việc tổ chức dạy thêm học thêm trong và ngoài trường. Nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội đã thông báo dừng tổ chức dạy phụ đạo (một hình thức học thêm) trong trường cho học sinh ngay tuần đầu sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Anh Hoàng Anh Thư (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ngày 2/2 (tức ngày mồng 5 Tết), giáo viên chủ nhiệm của con đang học lớp 10 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan thông báo tuần này nhà trường đang sắp xếp thời khóa biểu học phụ đạo nên khi nào có sẽ gửi sau. Anh Thư nhìn nhận việc tạm dừng học phụ đạo có lẽ xuất phát từ quy định học thêm, dạy thêm sắp có hiệu lực. Học kì I, con anh Thư học phụ đạo 2 môn Toán, Văn tại trường với thời lượng 2 tiết/tuần/môn học. Việc dừng học phụ đạo anh Thư cũng thấy tiếc nhưng học sinh lại có thêm thời gian tập trung học chính khóa.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trong Thông tư 29, Bộ định nghĩa rất rõ thế nào là học thêm. Vì vậy, dạy trực tuyến hay trực tiếp chỉ là hình thức thể hiện. Giáo viên chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến cũng vẫn là dạy thêm.
Hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh.
Bộ cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục, thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nhằm đạt mục tiêu của chương trình 2018. Như vậy về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Nguồn TPO