Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ ngày 1.1.2021:
Thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh
Thứ bảy: 10:45 ngày 09/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khoản 6 Ðiều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 nêu: “Từ ngày 1.1.2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Ðiều này cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước”.

Người dân khám, chữa bệnh bằng BHYT. Ảnh: Lê Thuỳ

Như vậy, sau 5 năm thông tuyến BHYT tuyến huyện (từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2020), bắt đầu từ ngày 1.1.2021, tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Nếu có thẻ BHYT, người dân không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám, chữa bệnh và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trên toàn quốc, được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến. Hiểu đơn giản rằng, thông tuyến BHYT tuyến tỉnh nghĩa là người khám bệnh có thể đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước và được hưởng mức quyền lợi như nhau, người dân có thể lựa chọn khám, chữa bệnh ở cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh bất kỳ trong cả nước.

Nhằm triển khai thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh theo quy định tại Khoản 6 Ðiều 22 Luật Bảo hiểm y tế, ngày 21.12.2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, chỉ thị yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và BHYT; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Ðồng thời, chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở khám, chữa bệnh; phối hợp với BHXH cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh…

Ðối với giám đốc bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện phải có giường bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức phổ biến, tập huấn về chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và BHYT; chủ động xây dựng kế hoạch và kiểm tra việc tổ chức bàn khám bệnh, tiếp đón người bệnh, thực hiện cải tiến quy trình khám, chữa bệnh… Chỉ thị giao Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, giám sát, hướng dẫn, tổng hợp tình hình thực hiện Khoản 6 Ðiều 22 của Luật BHYT kịp thời báo cáo Bộ trưởng về kết quả triển khai, vướng mắc và đề xuất giải pháp.

BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định để chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Ðây là chính sách xã hội của Ðảng và Nhà nước, là một trong những loại hình bảo hiểm y tế xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Ðể thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội mang tính ưu việt này, tiến tới việc tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Luật BHYT năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định và mở rộng nhiều nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng lên. Theo số liệu thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, đến năm 2020, tỉnh Tây Ninh có tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm khoảng 84% dân số, trong khi đó, tỷ lệ bình quân chung của cả nước tham gia BHYT chiếm khoảng 90% dân số.

Giai đoạn trước năm 2020, những trường hợp đi khám, chữa bệnh trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Ðến năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước, thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.

Theo đó, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: Quân đội, Công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có các trường hợp như: người bệnh có chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám bảo hiểm y tế sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80%.

Việc thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, ngoài tăng mức hưởng chi phí khám, chữa bệnh đối với các trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến, giảm bớt được khó khăn về mặt tài chính cho người bệnh có tham gia BHYT, bệnh nhân còn được hưởng những điều kiện chữa bệnh tốt hơn, được quyền lựa chọn theo đúng nhu cầu khám, chữa bệnh của mình. Bên cạnh đó, trong cuộc sống nhiều trường hợp vì lý do công tác, học tập, công việc mưu sinh, sau khi được cấp thẻ BHYT họ lại phải chuyển đến một nơi khác sinh sống, việc thông tuyến BHYT sẽ tạo điều kiện cho người bệnh được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh ở nơi gần mình nhất, thay vì phải quay lại khám đúng tuyến theo nơi khám, chữa bệnh ban đầu được ghi trong thẻ BHYT.

Tuy nhiên, việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh do người dân vượt tuyến để khám, chữa bệnh gây ra tình trạng quá tải trong điều trị. Do đó, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của bệnh nhân trong việc khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh nhân hiểu rằng các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ điều chỉnh dần để nâng cao chất lượng đón tiếp và điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.

Bảo hiểm y tế- chính sách an sinh xã hội ngày càng phát triển theo hướng hoàn thiện, ưu việt, tạo sự hài lòng cao cho người tham gia sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần Nghị quyết của Ðảng.

Luật gia Lê Thanh Ðiền

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh