Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thú chơi flycam và những điều cần biết
Thứ hai: 05:40 ngày 30/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tất cả các hoạt động quay phim, chụp ảnh bằng flycam cần phải xin cấp phép bay với thời gian trả lời tối thiểu là 10 ngày nếu như nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Sử dụng flycam quay phim, chụp ảnh tại trung tâm TP.Tây Ninh.

Thời gian gần đây, phong trào chơi flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh và quay phim từ trên không) trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Từ những thiết bị này, công chúng được chiêm ngưỡng những đoạn clip, bức ảnh chụp từ trên cao với góc nhìn mới lạ, đẹp mắt về phong cảnh quê hương Tây Ninh. Tuy nhiên, người chơi flycam cũng cần biết những quy định để tránh bị xử phạt.

Phong trào khá phổ biến

Anh C, ngụ huyện Hoà Thành- người sử dụng flycam trong mấy năm nay cho biết, anh làm nghề dịch vụ quay phim, chụp ảnh đám tiệc và cũng thường xuyên làm công quả bằng cách quay phim, chụp ảnh những lễ hội cho Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, vì vậy, anh đầu tư hơn 20 triệu đồng mua một chiếc flycam Phantom 3.

Thời gian đầu, anh C thường dùng flycam để quay phong cảnh và các lễ hội. Từ khi có quy định về việc sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ không người lái này, buộc người chơi flycam phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xin cấp phép bay, anh C phải làm đơn xin phép. Theo anh, việc xin phép để được quay phim, chụp ảnh bằng flycam không khó lắm, chỉ cần viết đơn đề nghị cấp phép bay nộp cho Ban CHQS huyện, đơn vị này xem xét, chuyển đơn lên Bộ CHQS tỉnh để chuyển ra cho Trung ương phê duyệt. Thời gian xin phép khoảng nửa tháng, khi cầm được giấy phép trong tay flycam mới được bay để quay phim, chụp ảnh.

Tuy nhiên, anh C cũng thừa nhận, khi có những sự kiện diễn ra tại địa phương, thời gian quá gấp, không kịp xin phép, anh “tạm” dùng flycam “quay lậu” vài suất hình. “Cũng may, những anh em làm nhiệm vụ ở địa phương biết mình quay phim, chụp ảnh vì công việc có ích cho xã hội, chứ không phải vì mục đích xấu nên cũng làm ngơ cho tác nghiệp”. Hiện tại, có một số người cũng bắt đầu chán trò chơi này nên kêu bán lại toàn bộ dàn “đồ nghề” với giá khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, anh lại đang mơ chiếc flycam Phantom 4 với giá hơn 30 triệu đồng, có độ phân giải 4K, bay nhẹ và đằm hơn các loại khác.

Anh T, một trong những người chơi flycam đầu tiên ở Tây Ninh cho hay, hiện ở tỉnh ta có khoảng 10 người sử dụng phương tiện này, chủ yếu là dân nhiếp ảnh và làm phim, đa số đều dùng flycam Phantom 3. Anh T giải thích, flycam được xem như một công cụ đắc lực cho dân nhiếp ảnh, với những góc máy đẹp nhìn từ trên cao. “Thời gian trước, với những cảnh như vậy, chúng tôi bắt buộc phải tìm chỗ cao để leo lên, nhưng không phải lúc nào cũng chụp được toàn cảnh. Bây giờ, với flycam, chúng tôi dễ dàng ghi lại được những hình ảnh mình muốn”- anh T. nói.

Điều khiển flycam từ xa.

Cần nắm rõ quy định để không vi phạm

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề quản lý thiết bị bay siêu nhẹ, Trung tá Nguyễn Anh Cường- Trưởng Ban Phòng không- Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết, ở Tây Ninh hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ không người lái để quay phim, chụp ảnh hay phun thuốc trừ sâu trên ruộng mía.

Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Bộ CHQS cấp huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân này có giấy phép bay. Đối với những tổ chức, cá nhân không có giấy phép thì đình chỉ bay hoặc tạm giữ phương tiện, chờ cấp phép, đồng thời đề nghị viết bản cam kết, không được tái phạm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp sử dụng flycam không có giấy phép hoạt động bay bị xử lý bằng hình thức viết cam kết.

Theo Trung tá Nguyễn Anh Cường, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ mới có một số tổ chức được cấp phép sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ dùng cho mục đích quay lễ hội, phim du lịch hay để phun thuốc trừ sâu. Còn một số cá nhân sử dụng flycam vào mục đích vui chơi giải trí chưa được cấp phép. Thời gian gần đây, lực lượng công an, quân đội đã tăng cường, kiểm tra, quản lý chặt chẽ những tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ này.

Các quy định cụ thể về việc sử dụng flycam tại Việt Nam

Ngày 25.7.2013, trên cơ sở căn cứ các quy định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã ban hành Văn bản hợp nhất số 12/NĐHN-BQP hợp nhất nghị định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Theo đó, văn bản quy định các hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép bay đối với tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay. Trong đó, hồ sơ bao gồm đơn đề nghị cấp phép bay (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) theo mẫu quy định cùng các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay, như: đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (tên gọi, nhà sản xuất, năm sản xuất, số xuất xưởng, trọng lượng cất cánh tối đa, kiểu loại động cơ, ảnh chụp phương tiện…) đồng thời thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không, kích thước (chiều rộng, dài, cao), độ cao bay tối đa, tốc độ bay tối đa, bán kính hoạt động, thời gian hoạt động trên không, khả năng mang, treo của phương tiện đề nghị cấp phép.

Về thời gian cấp phép, Bộ Quốc phòng quy định chậm nhất 7 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay (hoặc đề nghị sửa đổi lại phép bay) gửi đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Đây là cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái (flycam).

Ngoài các thủ tục xin phép bay, tổ chức, cá nhân phải thực hiện công tác dự báo, thông báo bay trước ngày bay theo quy định, nắm vững các quy định, nội dung của việc tổ chức, thực hiện hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam, tuân thủ các quy định, điều kiện, giới hạn được nêu trong giấy phép bay, chấp hành nghiêm hiệu lệnh đình chỉ bay, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất.

Một cá nhân sử dụng flycam quay phim, chụp ảnh trong hồ Dầu Tiếng.

Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng đã gửi Công văn số 6321/BQP-TM ngày 21.7.2015 đến các bộ, ban, ngành, cũng như UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý hoạt động của các loại máy bay không người lái (flycam/drone), các phương tiện bay siêu nhẹ nhằm giảm thiểu những hoạt động bay tự do, góp phần bảo đảm an toàn, gìn giữ an ninh hàng không và trật tự xã hội.

Theo công văn, tất cả các hoạt động quay phim, chụp ảnh bằng flycam cần phải xin cấp phép bay với thời gian trả lời tối thiểu là 10 ngày nếu như nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định. Đây được xem là một động thái mạnh mẽ, rõ ràng từ cơ quan quản lý.

Mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghị định, thông tư của Chính phủ và Bộ Quốc phòng trong quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, an toàn an ninh hàng không và trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp nắm chắc các tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình bay không người lái có điều khiển từ xa và các phương tiện bay siêu nhẹ ở địa phương. Giám sát, kiểm tra khu vực hoạt động, việc chấp hành các quy định về tổ chức bay sau khi được cấp phép.

Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm thì ra lệnh đình chỉ bay, báo cáo lên cấp trên xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đó làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép bay theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Đại Dương - Diệu Hiền

Tin cùng chuyên mục