Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các nghi phạm cất giấu kim cương vào trong người, hành lý ký gửi, xách tay để qua mặt lực lượng chức năng. Sau khi vận chuyển trót lọt, số kim cương trên được bán lại cho các chủ hàng người Việt Nam.
Liên quan đến đường dây vận chuyển kim cương trái phép từ Ấn Độ qua sân bay Tân Sơn Nhất, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM (PC03) đang mở rộng điều tra, làm rõ đường đi của trang sức đắt đỏ này.
Theo Phòng PC03, việc triệt phá đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới không phải tình cờ mà nằm trong kế hoạch của đơn vị. Trước đó, trinh sát nắm được thông tin về hoạt động vận chuyển trái phép kim cương không khai báo hải quan tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Đối tượng Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (Ảnh: Thuận Thiên).
Thủ đoạn của các đối tượng là cất giấu kim cương vào trong người, hành lý ký gửi, xách tay để qua mặt lực lượng chức năng. Sau khi vận chuyển trót lọt, số kim cương trên được bán lại cho các chủ hàng người Việt Nam ở TPHCM nhằm thu lợi bất chính.
Sau thời gian theo dõi, sáng 23/10, Tổ Công tác Phòng PC03 chủ trì, phối hợp với Đội thủ tục hành lý nhập khẩu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Công an quận Tân Bình, phát hiện người đàn ông nhập cảnh từ Ấn Độ đi trên chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air.
Sau đó, người này đi qua luồng xanh (không khai báo hải quan), đưa theo hành lý gồm 1 kiện hành lý ký gửi là 1 vali màu xanh và hành lý xách tay gồm 1 balo màu đen và 1 túi đeo nhỏ màu nâu.
Số kim cương được gói cẩn thận giấu trong hành lý (Ảnh: Thuận Thiên).
Qua soi chiếu, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu phát hiện trong vali của du khách có nhiều tập giấy nhỏ có in chữ IGI và 10 gói nylon chứa nhiều hạt nhỏ nghi vấn là kim cương được cất trong ví để lẫn cùng quần áo tư trang.
Đối tượng này thừa nhận các hạt nhỏ trong 10 gói nylon nêu trên là kim cương, vận chuyển từ Ấn Độ vào Việt Nam để giao cho khách nhưng không khai báo hải quan.
Kết quả kiểm tra ban đầu của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) xác định có tổng cộng 716 viên kim cương tự nhiên và nhân tạo, trị giá ước tính hàng chục tỷ đồng.
Căn cứ kết quả xác minh, làm việc ban đầu, Cơ quan điều tra xác định danh tính người đàn ông trên tên là Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ). Việc ông Hareshbhai mang theo 716 viên kim cương trong hành lý, nhập cảnh nhưng không thực hiện việc khai báo hải quan tại Việt Nam theo quy định có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Hiện cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc, truy vết các đối tượng tại Việt Nam có liên quan đến việc tiêu thụ kim cương trái pháp luật nói trên để xử lý theo quy định.
Nguồn Dân trí