Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với một số thương binh
Thứ ba: 08:28 ngày 23/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 22.5, lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng chính quyền một số địa phương đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với một số thương binh.

Tại UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu, đại tá Tạ Tiến Minh- Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh đọc quyết định thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với ông Vũ Quang Hải, hiện ngụ tại địa phương.

Đại tá Tạ Tiến Minh- Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu.

Việc thu hồi được thực hiện theo quyết định của thanh tra Bộ LĐTB-XH. Theo kết luận của Bộ, giấy chứng nhận bị thương của ông Vũ Quang Hải được Trung đoàn 452 cấp ngày 25.5.1975. Trong giấy chứng nhận bị thương, phần chữ in phôi tài liệu được hình thành bằng hạt mực laze và sử dụng các loại font chữ “VnTimeH, “VnHelvetIns” và “VNTime” thuộc bảng mã “TCVN3 (ABC)”.

Theo kết luận, các loại font chữ và bảng mã nêu trên chỉ xuất hiện từ sau những năm 1990. Do vậy, giấy chứng nhận bị thương của ông Hải (cấp năm 1975) sử dụng loại font chữ và bảng mã như vừa nêu là không có cơ sở khoa học, không hợp lý, không hợp lệ.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Quang Hải cho biết, việc ông bị thương trong chiến đấu là có thật. Tuy nhiên, vì hồ sơ không hợp lệ nên ông chấp hành quyết định thu hồi của cơ quan chức năng.

Chiều cùng ngày, tại UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành, đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh đã triển khai quyết định thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với hai trường hợp là các ông Trương Xuân Linh và Bùi Xuân Sắc.

Với ông Linh, giấy chứng ra viện (sau khi bị thương) được cấp ngày 7.5.1984 cũng sử dụng mực laze và các loại font chữ, bảng mã trong thiết kế, chế bản in phôi tài liệu. Trong khi đó, những đặc điểm kỹ thuật này chỉ xuất hiện từ sau những năm 90 của thế kỷ XX. Điều đó có nghĩa, giấy chứng nhận bị thương ông Linh được cấp không có cơ sở khoa học, không đúng thực tế tại thời điểm đó.

Trường hợp ông Bùi Xuân Sắc, trong hồ sơ của ông có giấy ra viện được cấp ngày 26.8.1974. Trên phía góc phải của giấy ra viện có ghi tiêu ngữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thực tế, tháng 2.1976, sau khi đất nước thống nhất, tên gọi “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới ra đời. Như vậy, giấy ra viện của ông Sắc bị kết luận là không hợp lệ, thiếu cơ sở và không đúng thực tế.

Tại buổi làm việc ở UBND xã Thái Bình, ông Linh và ông Sắc đều khẳng định việc họ bị thương trong chiến tranh là có thật, tuy nhiên vì hồ sơ không hợp lệ nên cả hai chấp hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận bị thương của cơ quan chức năng.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đã hướng dẫn ông Linh, ông Sắc cố gắng tìm lại đơn vị cũ để lập hồ sơ mới.

Cả 3 thương binh nêu trên bị ngừng chế độ trợ cấp thương tật kể từ ngày 1.5.2017.

Đ.V.T

Tin cùng chuyên mục