Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xúc tiến ðầu tư, thương mại và du lịch:
Thu hút các nguồn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Chủ nhật: 23:54 ngày 23/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hoá nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thiện Nhân- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cùng Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam và lãnh đạo tỉnh tham quan quầy trưng bày và giới thiệu sản phẩm du lịch Tây Ninh tại Hội thảo phát triển du lịch vùng Ðông Nam bộ. Ảnh: Ðại Dương

Giai đoạn 2017-2019, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được tỉnh chú trọng xây dựng, và thúc đẩy thực hiện nhằm tạo thêm kênh thu hút đầu tư cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2017-2019, kinh phí dành cho chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch là trên 19,4 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến trên cả ba lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch đã hoàn thành khá tốt, góp phần vào việc duy trì và nâng số điểm tổng hợp PCI hằng năm của tỉnh, được đánh giá khá và có triển vọng phát triển tốt. Ðiều này cho thấy sự nỗ lực lớn, tính hiệu quả của công tác xúc tiến trong những năm qua, cũng như sự tín nhiệm ngày càng gia tăng của doanh nghiệp.

Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với nước ngoài được xác định là một hướng đi quan trọng nhằm thu hút FDI, quảng bá hình ảnh Tây Ninh ra thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mối quan hệ, mở rộng thị trường xuất khẩu và thực hiện đầu tư ra nước ngoài.

Trong giai đoạn 2017-2019, UBND tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Tây Ninh tổ chức 7 đoàn công tác của tỉnh đến Belarus, Nga, Hàn Quốc, Brazil, Nhật Bản, Hà Lan, Campuchia, Trung Quốc, thu hút hơn 29 doanh nghiệp tham dự, ký kết 15 hợp đồng và bản ghi nhớ. Bước đầu, tỉnh đã thu hút được một số dự án.

Tỉnh cũng đã tiếp đón, toạ đàm, giao thương với các đoàn xúc tiến của chính quyền và doanh nghiệp các nước đến Tây Ninh tìm hiểu như: Cuba, Hàn Quốc, Nhật Bản...; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan mời, đón tiếp và giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác, đầu tư, thương mại du lịch với lãnh đạo Lãnh sự quán, Hiệp hội Doanh nghiệp của các quốc gia Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.

Ngoài ra, tỉnh đã ký thoả thuận hợp tác toàn diện với thành phố Gimhae và Chungju của Hàn Quốc để phát huy tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh xây dựng các mối quan hệ hợp tác, mời gọi đầu tư trong nước. UBND tỉnh giao các đơn vị chủ trì tổ chức đoàn công tác tham dự 22 hoạt động khảo sát thị trường, kết nối cung cầu tại một số tỉnh, thành trong nước, thu hút hơn 211 doanh nghiệp tham dự, ký kết 245 hợp đồng và bản ghi nhớ, đã đưa hàng hoá của Tây Ninh tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Lâm Ðồng, Ðồng Nai, các tỉnh miền Tây và ngược lại.

Sau khi ký thoả thuận hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Long An, tỉnh tiếp tục ký thoả thuận hợp tác với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, mời gọi các tập đoàn, công ty lớn đến đầu tư như Sun Group, VinGroup, Công ty cổ phần Lavifood.

Nhằm chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để tìm ra các giải pháp cụ thể, thiết thực cho phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các buổi cà phê doanh nhân, các buổi đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, các dịp lãnh đạo tỉnh đi thăm doanh nghiệp nhân năm mới và Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành Thuế, Hải quan tổ chức những buổi đối thoại với doanh nghiệp để nắm được những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của các doanh nghiệp, kịp thời đưa ra những giải thích để doanh nghiệp nắm chắc hơn các thông tin liên quan và tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Từ năm 2017, tỉnh thành lập Trung tâm Hành chính công để tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong giải quyết tất cả các TTHC tiếp nhận tại Trung tâm. Ðiều này đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC của cơ quan Nhà nước, bảo đảm nhanh chóng, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được xây dựng thành chương trình hằng năm tương đối toàn diện, xây dựng các kênh xúc tiến hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản đối với hoạt động xúc tiến, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với định hướng của Chính phủ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, có tác động thiết thực đến việc thu hút các nguồn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong xu thế hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đạt hiệu quả cao nhất khi được gắn bó chặt chẽ, đan xen với nhau, bổ trợ cho nhau; có nhiều phương thức triển khai có thể thực hiện chung cho cả ba nhóm, giúp giảm chi phí và tăng tính hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa kết hợp ba lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch nên chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Tây Ninh và đoàn đại biểu thành phố Gimhae ký kết biên bản ghi nhớ nội dung hợp tác, giao lưu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Tây Ninh phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế nên một số chưa chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, thông tin, quảng bá sản phẩm nên công tác xúc tiến thương mại khó triển khai rộng.

Công tác xúc tiến chưa có những hoạt động mang tính đột phá mạnh mẽ; chưa tạo được dấu ấn cho đối tác, cũng như chưa thu hút được các dự án công nghệ cao, công nghiệp sạch, chưa có nhiều ngành nghề mới, nên hiệu quả không như mong muốn.

Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp bị thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp bị gián đoạn, nhất là trong các ngành dệt may, nông sản, dịch vụ du lịch, bán lẻ… phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường nước ngoài.

Trước tình hình đó, công tác xúc tiến ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, các cơ quan xúc tiến cần phối hợp các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trong tỉnh cùng doanh nghiệp định hướng lại tổ chức sản xuất, cơ cấu lại thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hoá nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Ðặc biệt, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hoá nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh tỉnh nhà.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục