Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị được hình thành và phát triển góp phần đáng kể tăng doanh thu bán lẻ các nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng may mặc và đồ dùng, thiết bị gia đình.
Công trình, cảnh quan đẹp trên đỉnh Bà Đen.
Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, mạng lưới thương mại, dịch vụ tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển với nhiều thành phần kinh tế tham gia, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị được hình thành và phát triển góp phần đáng kể tăng doanh thu bán lẻ các nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng may mặc và đồ dùng, thiết bị gia đình. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 10,3%/năm.
Mạng lưới viễn thông phát triển rộng trên địa bàn tỉnh. Mạng cáp quang đã triển khai đến 100% địa bàn xã, phường, thị trấn, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ băng rộng di động của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Hạ tầng công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thông qua hệ thống văn phòng điện tử tập trung (Egov), phần mềm họp không giấy, hệ thống hội nghị trực tuyến... Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp, bổ sung tính năng đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông vận tải đường bộ phát triển, năng lực vận tải đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải của xã hội. Du lịch được xác định là một trong những trọng tâm đột phá phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Do đó, tỉnh đã quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị (khoá XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư phát triển, tạo động lực lan toả cho du lịch của tỉnh phát triển, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tây Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đến nay, tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch đang được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tăng bình quân 15%/năm. Tổng thu từ du lịch tăng bình quân 29,3%/năm.
Tuy doanh thu du lịch tăng hằng năm nhưng chưa tương xứng với số lượng khách đến tham quan, du lịch tại Tây Ninh. Hiện tỉnh chưa có các dịch vụ du lịch hấp dẫn để giữ chân khách lưu trú.
Đình Chung
Các dự án lớn đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương giai đoạn 2016 - 2020:
- Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm cho ngành trang trí nội thất và ngành xây dựng tại Hưng Thuận, Trảng Bàng của Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA Tây Ninh với vốn đăng ký 750 tỷ đồng.
- Dự án Bệnh viện đa khoa Hồng Hưng tại Hiệp Tân, Hoà Thành của Công ty cổ phần Y tế Hùng Duy với vốn đăng ký 860 tỷ đồng.
- Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố shophouse tại đường 30.4, phường 3, thành phố Tây Ninh của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP với tổng vốn đầu tư 905 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh tại Thanh Phước, Gò Dầu của Công ty cổ phần đầu tư Bệnh viện Xuyên Á với vốn đăng ký 1.248 tỷ đồng.
- Dự án Nhà máy Tanifood Tây Ninh tại Thạnh Đức, Gò Dầu của Công ty cổ phần Lavifood với tổng vốn đầu tư 1.820 tỷ đồng.
- Dự án tuyến cáp treo và các công trình phụ trợ tại núi Bà Đen của Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh với vốn đăng ký 3.840 tỷ đồng.
- 10 dự án điện mặt trời, tổng công suất 750MW, tổng vốn hơn 19.000 tỷ đồng.