Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thay vì phải thu hái trái cây để bán cho thương lái, đến mùa thu hoạch, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp 6, xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu) chọn cách mở cửa vườn dâu để đón khách đến tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn. Với cách làm này, mỗi ngày, anh Dũng thu gần chục triệu đồng.
Du khách đến với vườn dâu nhà anh Dũng.
Anh Dũng cho biết, gia đình anh có gần 1,5 ha vườn cây ăn trái trồng sầu riêng, măng cụt, dâu... Vào các ngày cuối tuần, vườn cây đón trên 200 khách, còn ngày thường cũng trên dưới 100 khách. Thu nhập từ bán vé và bán trái cây ước tính không dưới 5 triệu đồng/ngày. Riêng những ngày nghỉ cuối tuần, có lúc doanh thu lên đến gần 9 triệu đồng/ngày. So với việc bán trái cây cho thương lái, kiểu kinh doanh của anh Dũng có lãi hơn 3 lần.
Theo anh Dũng, để phát triển mô hình tham quan, du lịch vườn cây trái, địa phương cần tổ chức xây dựng, quảng bá thương hiệu để du khách chủ động tìm đến. Hiện nay, khách biết thông tin về vườn chủ yếu là do truyền miệng từ người này sang người khác hoặc qua mạng xã hội, nên nhiều người còn e dè vì chưa biết đường đi, lại băn khoăn về chất lượng phục vụ.
Anh Phong, một du khách ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng cho biết, nghe bạn bè giới thiệu, anh tìm đến đây để thưởng thức trái cây. Tuy nhiên, để đến được vườn này, anh đã phải dừng xe hỏi thăm đường đi nhiều lần.
Mô hình đón du khách đến vườn trái cây tham quan và thưởng thức trái cây tuy không phải là mới, nhưng cần được chú trọng vì đây là hướng phát triển tích cực cho sự tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Tuy nhiên, mô hình du lịch sinh thái này cần có sự quy hoạch hợp lý, sự liên kết giữa những hộ nông dân làm vườn để tận dụng sự luân chuyển mùa vụ của cây ăn trái, tạo thêm dịch vụ phục vụ du khách tham quan, xây dựng thương hiệu cho trái cây Tây Ninh.
Minh Dương