Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 8.3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đến Tây Ninh để kiểm tra và đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh khảm lá khoai mì trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đón và làm việc với đoàn về phía tỉnh có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh khảm lá cây khoai mì.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đến tham quan, khảo sát mô hình sản xuất giống khoai mì sạch bệnh và mô hình đánh giá tính chống chịu bệnh khảm lá của 203 dòng khoai mì tại ấp Hội An, xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Tại đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp xem xét tình hình sinh trưởng, phát triển và tình hình nhiễm bệnh khảm lá của cây khoai mì tại cả 2 mô hình.
Sau khi đi thực tế, đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh khảm lá khoai mì trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 6.3.2019, diện tích khoai mì nhiễm khảm lá còn trên đồng là khoảng 36.182 ha. Trong đó diện tích xuống giống mới vụ Đông Xuân năm 2019 bị nhiễm là 29.758 ha, chiếm 93% diện tích, còn lại 6.423 ha của năm 2018 chưa thu hoạch xong. Theo đó, dù diện tích khoai mì nhiễm bệnh không giảm nhưng mức độ bệnh có giảm so với năm 2018.
Kế hoạch năm 2019, tổng diện tích trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 59.600 ha. Trong đó, giống KM 419 chiếm tỷ lệ gần ½ diện tích (khoảng 45%), còn lại là các giống KM 94, khoảng 31%; HLS 11 (15%); KM 140 (3%); KM 505 (2%) và một số giống khác.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh khảm trên cây khoai mì, hiện nay Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện thí điểm Mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh với diện tích 160 ha (vùng lõi là 100 ha và khu vực vành đai bảo vệ 60 ha) tại ấp An Hội, xã Tân Hội, huyện Tân Châu.
Giống khoai mì được sản xuất là giống KM 94 100% sạch bệnh do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp. Trong đó, công tác quản lý bệnh và bọ phấn trắng (vật chủ trung gian lây truyền bệnh khảm lá) được thực hiện nghiêm ngặt, với nhiều biện pháp như xuống giống đồng loạt trong thời gian 2 tuần; phun thuốc diệt bọ phấn trắng từ 10-15 ngày/lần, đến nay cây mì gần 3 tháng tuổi đã phun được 6 lần; tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 4,5 – 20% tuỳ theo lô sản xuất, những cây nhiễm bệnh được nhổ và tiêu huỷ, bảo đảm đến hiện tại tỷ lệ bệnh không tăng thêm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khảo sát thực tế Mô hình đánh giá tính chống chịu bệnh khảm lá của 203 dòng khoai mì tại Tân Châu.
Song song với mô hình trên, tỉnh đang phối hợp với Viện Di truyền trồng khảo sát thử nghiệm 250 dòng/giống (50 dòng do Ciat nhập vào Việt Nam và các giống sưu tập trong nước) tại địa bàn huyện Tân Biên. Đến nay cây mì trên 110 ngày tuổi, nhưng qua khảo sát, bệnh khảm lá đang có chiều hướng phát sinh trên nhiều dòng.
Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu Thực nghiệm Hưng Lộc đang trồng khảo sát thử nghiệm 203 dòng/giống, cũng tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Qua khảo sát thực tế có 9 dòng hoàn toàn không phát hiện nhiễm bệnh khảm lá.
Qua thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh khảm lá cây khoai mì trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT kiến nghị với Đoàn công tác của Bộ chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia giới thiệu nguồn cung cấp giống khoai mì sạch bệnh, đồng thời hỗ trợ kinh phí để tỉnh đưa về phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Theo ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT, giống mì KM419 tuy có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhưng là giống mì chủ lực, được người nông dân trong tỉnh ưa chuộng (chiếm 45% diện tích xuống giống khoai mì năm 2019), với chất lượng tinh bột rất cao, đạt từ 50-60 tấn/ha. Do đó, ông đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục cho Tây Ninh trồng giống mì này. Đồng thời, Bộ nên chỉ đạo một số địa phương có cây giống không bị nhiễm bệnh cùng thực hiện Mô hình sản xuất giống mì KM419 sạch bệnh cung cấp cho Tây Ninh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tây Ninh đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh khảm lá khoai mì trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay diện tích nhiễm bệnh không giảm do nhiều nguyên nhân, như: do địa bàn Tây Ninh là tỉnh biên giới, nhiều diện tích trồng khoai mì giáp ranh với nước bạn Campuchia nên công tác ngăn chặn dịch rất khó khăn; trong khi đó, 2/3 nguyên liệu chế biến tinh bột mì được nhập về từ Campuchia, 1/3 trong tỉnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khảo sát thực tế mô hình thí điểm sản xuất giống mì sạch bệnh với diện tích 160 ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện quỹ đất sạch có thể dùng làm nơi sản xuất giống mì sạch còn rất nhiều, do đó Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hỗ trợ Tây Ninh trong xây dựng mô hình sản xuất giống khoai mì sạch bệnh với sự đa dạng về chủng loại giống, chứ không chỉ tập trung vào giống KM94 như hiện nay. Ông Chiến đề nghị Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc tiếp tục triển khai nhiều mô hình sản xuất giống sạch tại nhiều nơi nhằm cung cấp giống cho tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận nỗ lực của tỉnh Tây Ninh và các cơ quan của Bộ trong công tác phòng, chống dịch khảm lá khoai mì thời gian vừa qua. Thứ trưởng yêu cầu tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khảm lá khoai mì, trong đó cố gắng duy trì và phát huy mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh đang thực hiện.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc tiếp tục hỗ trợ Tây Ninh trong việc sản xuất giống mì sạch tại địa phương và những nơi khác, mục tiêu là bảo đảm cung cấp đủ nguồn giống sạch bệnh cho nông dân sản xuất.
Theo Thứ trưởng, trước mắt giống khoai mì KM419 đang được người dân sản xuất nhiều, do đó Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần thực hiện nhân giống này tại các tỉnh có cây mì không bị bệnh khảm lá để phân phối cho Tây Ninh. Riêng Tây Ninh tiếp tục triển khai mô hình sản xuất giống khoai mì sạch bệnh để có nguồn giống sạch cung cấp cho nông dân.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống dịch khảm lá mì bằng cách in nhiều tời rơi đến tay người dân; thực hiện nhiều chương trình, hội nghị, hội thảo về bệnh khảm lá khoai mì phát trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh khảm lá và các biện pháp phòng chống dịch trên cây khoai mì.
Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh khảm lá cây khoai mì xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch bệnh trong năm 2019.
Minh Dương