Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm việc với Tây Ninh về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi
Thứ năm: 08:20 ngày 15/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 14.8, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT Tây Ninh về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Làm việc với đoàn có ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cùng với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh), tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 196.552 con. Trong đó, số heo được chăn nuôi tập trung tại quy mô trang trại, gia trại chiếm đa số, với gần 83% (134.143 con được chăn nuôi tại 95 trang trại và 14.067 con tại 251 gia trại), còn lại là heo được chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 30.868 con, chiếm trên 17%.

Tính đến ngày 14.8, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 228 ổ dịch tại 37 xã, thị trấn của 7 huyện và thành phố với tổng số heo bị chết và tiêu hủy là 3.788 con (chiếm 1,9% tổng đàn).

Nhiều nhất là huyện Châu Thành có 13 xã có dịch với 73 ổ dịch được phát hiện, số heo chết và bị tiêu hủy do nhiễm bệnh là 941 con. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi; kế đến là các huyện Trảng Bàng có 6 xã với 52 ổ dịch, số heo chết và tiêu hủy là 1.344 con; Bến Cầu có 5 xã, thị trấn với 45 ổ dịch, số heo chết và tiêu hủy là 986 con; Gò Dầu có 6 xã với 45 ổ dịch, số heo chết và tiêu hủy là 892 con; Tân Biên có 5 xã, thị trấn với 18 ổ dịch, số heo chết và tiêu hủy là 561 con; Tân Châu chỉ có xã Tân Hà phát hiện 6 ổ dịch với 60 con heo chết và tiêu hủy; Thành phố Tây Ninh là địa phương vừa mới phát hiện ổ dịch heo châu Phi đầu tiên vào ngày 13.8 tại phường Ninh Sơn, với 15 con heo bị tiêu hủy.

Ông Nguyễn Thanh Lam – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành báo cáo công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi tại huyện Châu Thành.

Theo Sở NN&PTNT, Tây Ninh là một trong những tỉnh cuối cùng của cả nước xuất hiện dịch tả heo châu Phi (tỉnh thứ 62 phát hiện dịch). Trước khi phát hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 6.7.2019, Tây Ninh bị bao vây bởi các tỉnh lân cận và cả ở nước bạn Campuchia đều đã phát hiện có dịch tả heo châu Phi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh này nhanh chóng bùng phát mạnh trong tỉnh thời gian qua; cùng với tình hình thời tiết thời gian gần đây liên tục có mưa, độ ẩm cao tạo điều kiện cho vi rút dịch tả heo châu Phi tồn tại lâu và phát triển nhanh ngoài môi trường. Chính điều này cũng gây cản trở cho công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng của ngành chức năng và người chăn nuôi kém hiệu quả.

Cùng với các hoạt động kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, buôn bán heo và các sản phẩm từ heo, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thú y và các huyện, thành phố tổ chức 15 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 7 đoàn kiểm tra liên ngành lưu động. Tại các địa phương phát hiện ổ dịch, chính quyền các xã, thị trấn cũng thành lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển ra vào vùng dịch theo quy định.

Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 3 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng và triển khai 1 đợt tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh truyền nhiễm trên gia súc và gia cầm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi biết sự nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, để thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống dịch tả heo châu Phi, cả hệ thống chính trị huyện đã tích cực vào cuộc khẩn trương thực hiện các biện pháp và phương án đã được đề ra. Tuy nhiên, đến nay tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Heo bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi- Ảnh minh họa

Theo ông Lam, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người chăn nuôi không thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ít hoặc không thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý cho heo ăn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao Tây Ninh đã làm tốt công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Đây là loại bệnh hết sức nguy hiểm, làm thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi, ước tính tỷ lệ heo chết và tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi lên đến 6%, tương đương 235.000 tấn, hiện chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các ngành chức năng không nên vì thế mà e ngại, khi cơ sở nào thực hiện tốt an toàn sinh học, bảo đảm heo vẫn khỏe mạnh, không nhiễm bệnh thì phải tập trung phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát vận chuyển, giết mổ nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa sự lây lan của dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cũng đã có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại huyện Châu Thành.

Minh Dương  

Tin cùng chuyên mục