Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng Anh 'nếm trái đắng' nCoV
Chủ nhật: 07:04 ngày 29/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Anh đều nhiễm nCoV, các chuyên gia nói rằng điều này "không đáng ngạc nhiên" vì thái độ của họ với Covid-19.

Thủ tướng Boris Johnson ngày 27/3 cho biết ông dương tính với nCoV và có triệu chứng nhẹ. Vài giờ sau, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng thông báo mình bị nhiễm virus. Chris Whitty, cố vấn y tế trưởng cho chính phủ Anh, cũng xuất hiện triệu chứng nhưng chưa có kết quả xét nghiệm. Ba người đứng đầu công tác chống Covid-19 của Anh đều đang phải cách ly.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo ở London ngày 20/3. Ảnh: AFP.

Mặc dù Johnson nói rằng ông có thể tiếp tục điều hành chính phủ khi cách ly tại số 10 phố Downing, các chuyên gia y tế công cộng chỉ trích ông đã quá chủ quan. Cả Johnson và Hancock đều đã tiếp xúc nhiều quan chức, bao gồm các thành viên nội các và cố vấn trong vài ngày qua.

Hiện chưa rõ Thủ tướng Johnson nhiễm virus như thế nào, nhưng phố Downing cho biết không bộ trưởng nào trong nội các được xét nghiệm trừ khi họ có triệu chứng.

Phó giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Jenny Harries nói rằng việc truy dấu xem Thủ tướng Johnson đã tiếp xúc với những ai là "không phù hợp" ở giai đoạn này, nhưng các quan chức có thể được xét nghiệm vì tầm quan trọng của họ đối với phản ứng của chính phủ trước khủng hoảng.

"Số 10 phố Dowing được coi là nơi làm việc. Lời khuyên cho các nhân viên ở đây và các đồng nghiệp của Thủ tướng là họ không cần tự cách ly trừ khi họ có triệu chứng", phát ngôn viên của Johnson cho biết.

Anh đã hành động khá chậm so với các nước khác mặc dù là một trong những vùng dịch lớn nhất thế giới. Các chuyên gia Anh ban đầu ủng hộ chiến lược "thả dịch lên đỉnh" để đạt được "miễn dịch cộng đồng". Họ cho rằng nếu chính phủ ban hành các biện pháp quyết liệt và buộc mọi người ở nhà thì người dân sẽ "cuồng chân", cố tình không tuân lệnh và ra ngoài khi dịch lên đến đỉnh điểm, khiến số ca nhiễm gia tăng đột biến. Chuyên gia từ các nước khác ở châu Âu đã bày tỏ nghi ngờ quan điểm này.

Anh bắt đầu thay đổi cách tiếp cận sau khi Đại học Hoàng gia London ngày 16/3 công bố báo cáo, cảnh báo rằng nếu không bị kiềm chế, Covid-19 có thể khiến 510.000 người chết ở Anh. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã "thức tỉnh" trước Covid-19, Anh cũng không thực hiện các biện pháp quyết liệt ngay mà dần dần thắt chặt các hạn chế. Chính phủ ban đầu kêu gọi mọi người không đến nơi công cộng như quán rượu, nhà hàng, nhà hát hoặc bảo tàng nhưng không yêu cầu đóng cửa các cơ sở này.

Vài ngày sau, họ đóng cửa trường học, khuyến cáo người trên 70 tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ có thai ở nhà trong 12 tuần. Dịch vụ Y tế Công (NHS) liên hệ 1,5 triệu người có nguy cơ cao như bệnh nhân ung thư, bệnh hô hấp nặng và người đã cấy ghép tạng để yêu cầu họ ở nhà 12 tuần. Từ 20/3, Anh đóng cửa tất cả quán bar, quán rượu và cơ sở giải trí. Đến ngày 23/3, Johnson mới ra quyết định phong tỏa toàn quốc.

Bản thân ông Johnson đã có những hành động không phù hợp với các khuyến cáo y tế. Khi WHO kêu gọi công chúng tránh bắt tay và các lãnh đạo châu Âu khác khuyên người dân tránh "tiếp xúc không cần thiết", Johnson nói trong cuộc họp báo ngày 3/3 rằng: "Tôi đến bệnh viện tối hôm kia, nơi có một vài bệnh nhân nCoV, tôi vẫn bắt tay tất cả mọi người".

Bộ trưởng Hancock giải thích tác động của bắt tay là "không đáng kể" và cho rằng mọi người vẫn có thể bắt tay nhau miễn là họ rửa tay "thường xuyên hơn". Anh khi đó ghi nhận chưa đến 100 ca nhiễm, nhưng hiện đã báo cáo hơn 14.500 ca nhiễm và hơn 750 người tử vong.

Tuần trước, Hancock gặp gia đình Harry Dunn, thanh niên bị ôtô đi sai đường đâm chết tháng 8 năm ngoái, để thảo luận về thời gian phản ứng của dịch vụ xe cứu thương. Hancock vẫn ôm và bắt tay gia đình Dunn, mặc dù khi đó chính phủ đã khuyến cáo tránh tiếp xúc gần.

Dù đầu tuần này thúc giục cả nước ở nhà, chỉ đi làm khi "thực sự cần thiết" và các cuộc họp báo trên phố Downing được thực hiện từ xa từ ngày 23/3, Johnson ngày 25/3 vẫn đến hạ viện để thực hiện phiên chất vấn Thủ tướng với sự tham gia của hàng chục nghị sĩ.

Johnson nhận kết quả xét nghiệm dương tính vào đêm 26/3, vài giờ sau khi ông đứng ngoài cửa số 10 phố Downing vỗ tay cổ vũ các nhân viên y tế cùng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Đây là hoạt động công chúng Anh, các thành viên hoàng gia, quan chức và những người nổi tiếng tham gia để thể hiện sự ủng hộ với NHS bằng cách vỗ tay từ nhà hoặc ban công vào 20h ngày 26/3.

Phát ngôn viên của Johnson cho biết ngay từ khi có triệu chứng, ông đã thực hiện các bước để đảm bảo mình không tiếp xúc gần bất kỳ ai. "Ông ấy thực sự muốn vỗ tay cổ vũ nhân viên NHS vì cảm thấy đây là hoạt động quan trọng. Ông ấy đã giữ khoảng cách với Bộ trưởng Tài chính khi đứng ngoài số 10 phố Downing".

Thủ tướng Boris Johnson (phải) và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak vỗ tay bên ngoài số 10 phố Downing tối 26/3. Ảnh: Reuters.

"Vì nCoV có thể lây qua giọt bắn hay chạm vào bề mặt có virus, không ngạc nhiên khi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế nhiễm nCov", giáo sư Susan Michie, giám đốc Trung tâm Thay đổi Hành vi tại Đại học London, nói.

"Các lãnh đạo nên đảm bảo lời nói đi đôi với việc làm. Nếu các lãnh đạo không tuân thủ khuyến cáo của chính họ, họ sẽ mất uy tín và có thể khiến công chúng phớt lờ khuyến cáo", bà nói.

Giáo sư Devi Sridhar, trưởng khoa y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho rằng các lãnh đạo "cần phải làm gương". "Thật tệ khi ông ấy nói với mọi người rằng ông ấy vẫn sẽ bắt tay và khá chủ quan về nCoV".

"Chính phủ đã hành động quá chậm, bản thân các lãnh đạo cũng hành động chậm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy phiên chất vấn Thủ tướng vẫn diễn ra tuần này, rõ ràng là không cần thiết", John Ashton, cựu quan chức y tế công cộng Anh, nói.

"Điều này càng củng cố luận điểm rằng biện pháp phong tỏa được áp dụng từ đầu tuần này lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn và đặt ra nghi ngờ về tính kỷ luật của những người nắm quyền lực, bao gồm cả Thủ tướng. Tất cả họ nên cẩn thận hơn", ông nói thêm.

Nguồn VNE

Tin liên quan