Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách các hoạt động, bảo đảm sự hài lòng của người dân.
“Tính đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt gần 16 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động), số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt gần 86 triệu người (chiếm 90% dân số). Với tỉ lệ này, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đề ra…”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như trên tại Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT diễn ra ngày 15-2. Hội nghị do BHXH Việt Nam tổ chức.
Giải quyết triệt để việc trục lợi quỹ BHYT
Thủ tướng trao huân chương Độc lập hạng Ba cho Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh. Ảnh: MINH THƯ
Theo Thủ tướng, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể thấy điều đó qua nhiều kết quả nổi bật: cắt giảm ¾ số thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã bảo hiểm xã hội cho 97 triệu dân... Đặc biệt, hệ thống giám định BHYT điện tử kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh, giúp cho việc quản lý, sử dụng quỹ được công khai, minh bạch...
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Nghị quyết 28 của trung ương đặt mục tiêu tỉ lệ bao phủ BHXH là 35% vào cuối năm 2021 và 45% vào năm 2025. Nhưng hiện nay, với 1/3 số người lao động tham gia BHXH thì cái đích còn xa, nên cần nỗ lực cao hơn.
“Chúng ta cần phải có giải pháp mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chính sách an sinh xã hội cần phải ứng dụng công nghệ số để được quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy tổ chức…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc ngành bảo hiểm cần triệt để giải quyết tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, tình trạng trốn đóng BHXH.
Thủ tướng đề nghị BHXH, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của trung ương về chính sách BHXH. Đó là BHXH Việt Nam là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại hội nhập quốc tế…
“Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng” - Thủ tướng nói và yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở nên hiện đại, hiệu quả. Từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều được hưởng an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau…
“BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động…” - Thủ tướng yêu cầu.
Năm nhóm giải pháp lớn
Với tinh thần đó, Thủ tướng gợi mở năm nhóm giải pháp đối với ngành BHXH. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và giao dịch điện tử liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, đội ngũ 21.000 cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đặc biệt, cần thay đổi tác phong, lề lối làm việc, xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực quản lý trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường công tác quản lý BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT được sự thống nhất, tiện lợi cho người dân.
“Cuối cùng, đề nghị ngành bảo hiểm phải tăng cường thông tin tuyên truyền để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT của nước ta…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm sáng BHXH tự nguyện
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574.000 người. Riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300.000 người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (kể từ năm 2008 đến 2018).
Nguồn PLO