Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng: Chống 'chạy chọt' khi tinh gọn bộ máy
Thứ sáu: 04:30 ngày 13/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống chạy chọt, lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin cho.

Sáng 12/12, chủ trì phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết nghị quyết 18 trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy song phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Các chức năng, nhiệm vụ không bỏ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống "chạy chọt", lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin cho.

Cùng với làm tốt công tác tư tưởng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và có thời kỳ quá độ phù hợp. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành.

Với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cần phân loại doanh nghiệp và lên phương án đảm bảo quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả hoạt động; hoàn thiện pháp luật liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, cơ quan hoàn thiện đề án; trên cơ sở đó hoàn thiện đề án chung của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền, đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thông báo kết luận phiên họp này tới các bộ, ngành, cơ quan làm cơ sở để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện đề án dưới sự chỉ đạo của các Phó thủ tướng đã được phân công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết nghị quyết 18, sáng 12/12. Ảnh: Nhật Bắc

Ngoài ra, công tác tư tưởng cần phải làm tốt với quan điểm tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của trung ương. Đề cao trách nhiệm, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Theo báo cáo, đến nay các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.

Tại phiên họp hôm nay, Ban Chỉ đạo đã xem xét dự thảo báo cáo chung việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ; dự thảo báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ về tổng kết thực hiện nghị quyết 18; việc sắp xếp tổ chức Đảng tại các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp bộ máy; quản lý tài chính, tài sản công; dự án đầu tư công; sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, cũng được đưa ra bàn thảo.

Trên cơ sở phiên họp hôm nay, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện phương án trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết nghị quyết 18, sáng 12/12. Ảnh: Nhật Bắc

Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12, dự kiến có 5 bộ và 3 cơ quan ngang bộ sẽ duy trì, chỉ tinh gọn bên trong. 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, đảm bảo tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.

Mỗi bộ duy trì một đầu mối tổ chức tương ứng với lĩnh vực tổ chức cán bộ, pháp chế, hợp tác quốc tế, văn phòng, kế hoạch tài chính, thanh tra. Các bộ rà soát cục, vụ theo hướng tinh gọn, chỉ duy trì các cục, vụ có đối tượng quản lý chuyên ngành. Với các cục, vụ liên thông gắn kết, cần kiện toàn thành một đầu mối.

Thực hiện phương án nêu trên, Chính phủ sau khi tinh gọn sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan).

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, trước mắt số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị mới hình thành sau khi sắp xếp có thể nhiều hơn quy định, nhưng phải giảm trong 5 năm. Biên chế các cơ quan mới không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức đang có mặt trước khi sáp nhập, nhưng phải giảm biên chế trong 5 năm với người không đáp ứng yêu cầu, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 7/12, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết cơ quan này đang xây dựng dự thảo nghị định trong đó đề xuất chính sách "đủ mạnh và vượt trội" để tinh giản đội ngũ cán bộ công chức và giữ chân người tài khi tinh gọn bộ máy.

Nguồn ​vnexpress

Tin cùng chuyên mục