Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá những vấn đề đặt ra khi số ca mắc tăng cao, cũng như những vấn đề mới để có giải pháp phòng chống dịch phù hợp.
Nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm. (Nguồn: TTXVN)
Sáng 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên phạm vi toàn quốc, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, nhất là sau khi biến thể Omicron thâm nhập.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá những vấn đề đặt ra khi số ca mắc tăng cao, cũng như những vấn đề mới, đột xuất cần lưu ý, quan tâm để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; đề xuất bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề về thuốc, vaccine phòng COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 4/3/2022, thế giới ghi nhận trên 442,7 triệu ca mắc COVID-19, trên 6 triệu ca tử vong. Riêng trong tháng 2/2022, thế giới ghi nhận thêm trên 52 triệu ca mắc mới, trong đó trên 200.000 ca tử vong.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 4.059.262 ca mắc, 2.589.436 người đã khỏi bệnh (chiếm 63,8% tổng số ca mắc), 40.609 ca tử vong. Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng 1/2022, nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% tổng số ca mắc (871.083 ca) tăng 2,5 lần; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần.
Bộ Y tế nhận định,đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 chiếm 18,4% và tháng 2 khoảng 24,3%).
Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta.
Theo báo cáo, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện của Hà Nội, trong đó, biến thể BA.2 chiếm 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%).
Kể từ khi triển khai thí điểm mở lại các đường bay quốc tế ngày 1/1/2022 đến hết ngày 14/2/2022, cả nước ghi nhận hơn 800.000 ca mắc, trong đó hơn 500.000 ca cộng đồng.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, đặc biệt thời gian tới Việt Nam nới nỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Nguồn TTXVN/Vietnam+