Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thủ tướng: Chúng ta phải tạo được những công trình kiến trúc để đời
Chủ nhật: 15:40 ngày 22/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 21/4, tại Hà Nội, dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948 – 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kiến trúc là văn hóa, là kiến tạo và “chúng ta phải tạo được những công trình kiến trúc để đời, mang tầm thế kỷ…”

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự buổi lễ. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, ngày 27/4/1948, lực lượng kiến trúc sư (KTS) yêu nước tham gia kháng chiến đã thành lập Đoàn KTS Việt Nam, tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay và được Bác Hồ gửi thư chúc mừng với những lời khen ngợi, động viên còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27/4 hằng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Hội KTS Việt Nam đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các thế hệ hội viên Hội KTS dù trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn sáng tạo, cần cù lao động để đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc.

Những công trình kiến trúc quan trọng, trọng điểm quốc gia trong những năm qua đều mang dấu ấn bàn tay, khối óc của những kiến trúc sư tài ba.

Những công trình, tác phẩm kiến trúc có giá trị này đã tạo dấu ấn, làm giàu thêm cho nền kiến trúc, thể hiện đóng góp quan trọng của giới KTS, của Hội KTS và ngành xây dựng Việt Nam.

Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày một khang trang hơn, to đẹp hơn cũng nhờ một phần đóng góp quan trọng của giới KTS. Nhiều KTS, đặc biệt là KTS trẻ  đã có nhiều thành công trong lao động sáng tạo, được tôn vinh trong nước và quốc tế qua các giải thưởng kiến trúc.

Những năm gần đây, Hội KTS, ngôi nhà chung tin cậy của các KTS Việt Nam, có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động, nhất là việc tham gia phản biện những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về kiến trúc, quy hoạch và các dự án quy hoạch kiến trúc lớn.

Thủ tướng cho rằng: “Tự hào với thành quả đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kiến trúc nước nhà hiện vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại”.

Những năm qua, tuy chúng ta xây dựng nhiều, kiến trúc đa dạng nhưng chưa có nhiều công trình kiến trúc, khu đô thị có giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa cao. Kiến trúc đô thị của nước ta còn phát triển thiếu đồng bộ, thiếu bản sắc.

Kiến trúc nhà ở nông thôn chưa được quan tâm. Nhiều làng quê đang bị đô thị hóa cưỡng bức, làm mất đi các giá trị truyền thống, vẫn chưa thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Theo Thủ tướng, Hội KTS và các KTS cần chung tay vào cuộc nhiều hơn nữa, cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết các tồn tại, bất cập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Kiến trúc sư phải là con người văn hóa, con người kiến tạo

Trong bối cảnh xu thế kiến trúc xanh, đô thị xanh, đô thị thông minh là hướng phát triển chủ đạo của thế giới trong thế kỷ 21, Thủ tướng mong Hội KTS và giới KTS Việt Nam đi tiên phong, định hướng cho kiến trúc Việt Nam xanh, sạch, đẹp, hiện đại, tiện nghi, tạo dựng không gian sống nhân văn, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường và xã hội cho nhân dân trước những bất ổn biến đổi về môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và nước ta là một trong những nước phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất.

Nghiên cứu, thiết kế, tìm ra những kiến trúc phù hợp cho vùng nông thôn vừa rẻ, vừa sáng sủa, giản dị, những kiểu nhà sống chung với lũ… đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như cả nước.

“Chúng ta phải tạo được những công trình kiến trúc để đời, mang tầm thế kỷ, mang lại lợi ích to lớn, lâu dài cho đất nước, cho thế hệ mai sau”, Thủ tướng nêu rõ.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để Hội KTS tập trung triển khai thực hiện thời gian tới. Đó là tiếp tục tập hợp, đoàn kết, động viên KTS, tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội.

Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tác, nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thực hiện tốt hơn nữa việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Chủ động tích cực tham gia ý kiến về những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Chú trọng góp ý công tác quy hoạch kiến trúc đô thị nông thôn và đồ án kiến trúc các công trình trọng điểm.

Chú trọng hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận và phê bình kiến trúc, tạo nền tảng và cơ sở để phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc.

Phải gắn lý luận với thực tiễn, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào từng hoạt động cụ thể của Hội nói riêng và hoạt động của đội ngũ KTS nói chung.

Chăm lo xây dựng đội ngũ KTS, phát hiện bồi dưỡng nhân tài, nâng cao năng lực sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp của KTS trẻ. Điều này rất quan trọng, quyết định đến tương lai, sự phát triển bền vững của nền kiến trúc nước nhà.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của Hội để tác động tích cực đến sự nghiệp kiến trúc xây dựng đất nước.

Không ngừng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, những kinh nghiệm và thành tựu về kiến trúc xây dựng của Việt Nam và quốc tế cho KTS và cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương vinh danh các KTS tiêu biểu. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe, ủng hộ, mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Hội KTS Việt Nam, của các KTS trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phục vụ nhân dân.

“Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta cần luôn ghi nhớ những lời Bác căn dặn, nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của kiến trúc và KTS trong sự nghiệp dựng xây dựng đất nước”, Thủ tướng nêu rõ.

“Kiến trúc là văn hóa, là kiến tạo. KTS phải là con người văn hóa, con người kiến tạo. Kiến trúc phải được quan tâm, chăm lo và giám sát của nhân dân, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành trong phạm vi quốc gia”.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, từ 50 KTS đầu tiên được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến nay lực lượng KTS cả nước đã lên tới hơn 15.000 người.

Từ Đoàn KTS Việt Nam thành lập năm 1948 với 8 KTS nòng cốt, sau 63 năm hoạt động, Hội KTS Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lớn mạnh với trên 4.000 KTS hội viên. Hiện nay, cả nước có hơn 15.000 KTS.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục