Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
CHỈ ĐẠO, QUYẾT ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ - THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thủ tướng đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH
Chủ nhật: 10:33 ngày 13/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Nội dung công điện như sau:

Để khẩn trương triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là Chương trình) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11/NQ-CP) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng nguồn lực của Nhà nước cũng như toàn bộ nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022 - 2023) theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến tình hình dịch bệnh.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong đó căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế để xác định thứ tự ưu tiên gắn với thời hạn hoàn thành, có phân công, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phân nhiệm rõ ràng đối với cá nhân từng đồng chí lãnh đạo bộ, cơ quan, địa phương trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng nhiệm vụ, giải pháp trên nguyên tắc "làm việc nào dứt điểm việc đó".

3. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

4. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa, thúc đẩy tích cực tăng thu ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.

5. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022 - 2023 của từng bộ, ngành, địa phương. Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

6. Chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.

7. Trong Quý I năm 2022, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện, hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ sau để triển khai và phát huy ngay hiệu quả của Chương trình:

a) Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình theo đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

- Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan hướng dẫn thực hiện hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng một số cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

c) Bộ Tài chính:

- Bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nói chung và thuộc Chương trình nói riêng. Chỉ đạo các đơn vị chức năng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán. Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; Quyết định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

đ) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình.

g) Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

8. Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Nguồn baochinhphu

Tin cùng chuyên mục