Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Rủi ro hay bảo đảm?
Thứ năm: 08:10 ngày 18/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vừa thúc đẩy hợp tác, vừa thể hiện thái độ về thương mại và xung đột Nga-Ukraine là nhiệm vụ không dễ dàng với Thủ tướng Olaf Scholz ở Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại Bắc Kinh ngày 16/4. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến công du ba ngày (từ 14-16/4) tới Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông thăm quốc gia Đông Bắc Á này kể từ khi Berlin triển khai chiến lược mới, coi Bắc Kinh là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống”. Tài liệu kêu gọi Đức “giảm rủi ro”, cụ thể là giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Liệu chuyến thăm góp phần “giảm rủi ro” này?

Kinh tế là trọng tâm

Không khó để thấy hợp tác kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Đức trong chuyến thăm. Điểm dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo quốc gia Âu châu này là Trùng Khánh, trung tâm công nghiệp ở Tây Nam Trung Quốc với nhà máy cung cấp nhiên liệu hydrogen cho tập đoàn Bosch, trước khi tới Thượng Hải và Bắc Kinh. Ông cũng gặp, trao đổi với lãnh đạo, đại diện các tập đoàn Đức và tham dự cuộc họp của Ủy ban kinh tế Đức - Trung Quốc.

Lịch trình này là dễ hiểu, khi Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Berlin trong tám năm liên tiếp. Năm 2023, kim ngạch song phương đạt 271 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm trước, song vẫn nhỉnh hơn con số giữa Đức và Mỹ. Hiện có 5.000 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc, đồng nghĩa rằng các công ty, tập đoàn quốc gia châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp do rào cản thương mại của Bắc Kinh cùng nỗ lực giảm phụ thuộc từ Berlin. Điều này cũng tác động đáng kể tới kinh tế Đức và khiến chính phủ liên minh của ông Scholz, hiện đang đối đầu với nhiều áp lực trong nước, càng thêm khó khăn trong cuộc bầu cử năm tới.

Do đó, xuyên suốt các cuộc gặp, người đứng đầu chính phủ Đức khẳng định sẽ duy trì hợp tác kinh tế song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kiểm soát dòng hàng hóa chảy vào châu Âu. Đặc biệt, phát biểu trước các sinh viên học tiếng Đức tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, ông nhấn mạnh: “Cạnh tranh phải công bằng. Chúng tôi muốn một sân chơi bình đẳng… Sẽ không có bán phá giá, sản xuất dư thừa hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này lại tỏ ra thận trọng trước việc Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc chính quyền Bắc Kinh bảo hộ các mặt hàng “công nghệ xanh” xuất khẩu sang châu Âu.

Đáp lại, tiếp Thủ tướng Olaf Scholz tại Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần “nhìn nhận và phát triển quan hệ một cách toàn diện, từ góc nhìn chiến lược và dài hạn”. Về xuất khẩu hàng hóa công nghệ xanh, nhà lãnh đạo này khẳng định: “Xe điện, pin lithium và sản phẩm quang điện xuất khẩu của Trung Quốc không chỉ củng cố nguồn cung toàn cầu và giảm thiểu áp lực lạm phát, mà còn đóng góp quan trọng vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giảm phát thải carbon và chuyển đổi xanh”.

Về cáo buộc bảo hộ hay tình trạng sản xuất dư thừa, ông Tập Cận Bình nêu rõ, hai nước “cần vững vàng trước chủ nghĩa bảo hộ, nhìn nhận vấn đề năng lực sản xuất một cách khách quan, biện chứng, với góc nhìn thị trường và toàn cầu”.

Trong khi đó, ông Joerg Wuttke, cựu Giám đốc Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, nhận định: “Hàng hóa Đức ‘chất đầy’ trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nếu một ‘cuộc chiến’ về giá nổ ra, sẽ chẳng bên nào có lợi cả”.

Thủ tướng Olaf Scholz thăm Công ty TNHH Năng lượng hydro Bosch (Trùng Khánh), liên doanh giữa Qingling Motors và Bosch của Đức, ở thành phố Trùng Khánh ngày 14/4. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Quan trọng là vậy, song kinh tế không phải nội dung duy nhất của nhà lãnh đạo Đức ở Trung Quốc. Gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Olaf Scholz đã mong muốn các bên, trong đó có Bắc Kinh, đóng góp vào “nền hòa bình công bằng” ở Ukraine. Theo ông, hoạt động quân sự của Nga tại nước láng giềng “đã tác động vô cùng tiêu cực tới an ninh tại châu Âu”, “ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi” và “làm tổn hại trật tự quốc tế khi vi phạm nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc”.

Ông Scholz đưa ra tuyên bố trên khi Trung Quốc vừa duy trì thái độ thận trọng trước tình hình tại Ukraine, vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu sắc hơn với Nga.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ Trung Quốc “sẵn sàng duy trì hợp tác với tất cả các bên liên quan, bao gồm Đức”. Ông đưa ra “bốn nguyên tắc nhằm ngăn khủng hoảng Ukraine vượt tầm kiểm soát và khôi phục hòa bình”: Các bên cần tôn trọng hòa bình, ổn định và không vì lợi ích vị kỷ; hạ nhiệt căng thẳng; tạo điều kiện khôi phục hòa bình và giảm thiểu tác động tới nền kinh tế thế giới.

Những nội dung trên có phần tương đồng với “giải pháp chính trị” trong một tài liệu do chính quyền Bắc Kinh công bố năm ngoái. Tuy nhiên, một số nước phương Tây lo ngại rằng đề xuất của Trung Quốc có thể giúp Nga nắm giữ phần lớn các khu vực mà quân đội của xứ bạch dương đang kiểm soát tại Ukraine. Chính quyền Đức của ông Scholz chắc hẳn không muốn chứng kiến kịch bản này.

Rõ ràng, trong vấn đề Ukraine, không khó để thấy còn đó khoảng cách giữa nền “hòa bình công bằng” của Berlin và “giải pháp chính trị” từ Bắc Kinh. Về thương mại, câu chuyện có phần rõ ràng hơn: Đức và Trung Quốc sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ và nỗ lực khắc phục rào cản còn tồn tại, hướng tới viễn cảnh tốt đẹp mà ông Tập nêu: “Hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Đức không phải ‘rủi ro’, mà là bảo đảm cho quan hệ song phương ổn định và cơ hội cùng xây dựng tương lai”.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục