Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thủ tướng: ‘Ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít’
Thứ sáu: 07:58 ngày 29/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước con số về vốn đầu tư ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang còn khiêm tốn, Thủ tướng cho rằng “ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang sáng 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng chứng kiến việc ký kết biên bản, thỏa thuận hợp tác, trong đó có sự hợp tác giữa các tỉnh trong vùng với Hậu Giang. “Đây là cách làm tốt bởi người ta nói là nếu muốn đi xa thì phải cùng đi”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng tin tưởng Hội nghị này là cơ hội tốt để tìm ra dự án là thế mạnh của địa phương.

Trước con số về lượng vốn đầu tư đã ký tại Hội nghị còn khiêm tốn, Thủ tướng cho rằng “ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít”. Qua Hội nghị hôm nay, niềm tin của nhà đầu tư vào Hậu Giang ngày càng rõ nét, Thủ tướng nhìn nhận .

Về tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng nêu rõ nhất thiết phải đặt trong tầm nhìn phát triển tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là một bộ phận hữu cơ thống nhất, không thể tách rời của vùng, coi mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh còn lại trong vùng ĐBSCL cũng như giữa vùng với TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là xu hướng phát triển của Hậu Giang.

Vùng ĐBSCL chỉ cần một quy hoạch duy nhất, trên cơ sở đó, Hậu Giang và các tỉnh khác có thể phân công lao động, cùng hợp tác, cùng phát triển. Tuy nhiên, mỗi tỉnh cũng cần có cách làm sáng tạo.

Về tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng nêu rõ nhất thiết phải đặt trong tầm nhìn phát triển tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục gỡ bỏ các rào cản cản trở sự phát triển của tỉnh, tiêu biểu là môi trường đầu tư kém cạnh tranh, chưa tạo được niềm tin và khơi được nguồn vốn trong dân vào phát triển.

Các cấp chính quyền phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, để Hậu Giang được như lời một doanh nghiệp ví von “Hậu Giang gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó thì không muốn về”.

Cần tạo được động lực thực sự cho cán bộ làm việc, lấy sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả công việc. Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất gì mà cần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường pháp lý, về thủ tục, về thông tin, về dịch vụ công, về tiếp cận thị trường... để doanh nghiệp tự ra quyết định và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.

Đấy là cách tiếp cận kiến tạo phát triển, nhằm phát huy tính sáng tạo của thị trường, của các nhà đầu tư. Tỉnh cần chỉ đạo nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, đừng để tình trạng trì trệ xảy ra.

Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thực hiện có hiệu quả “liên kết 4 nhà” là vấn đề cần chú trọng. Đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, chứ không phải hộ nhỏ lẻ.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng lưu ý Hậu Giang quan tâm phát triển doanh nghiệp, một khâu yếu của tỉnh khi mà tỉ lệ trung bình gần 400 người dân mới có 1 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước là 130 người dân/doanh nghiệp.

Hậu Giang cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo lao động nông thôn, chuyển đổi có hiệu quả lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Cần phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề, làng quê, văn hóa, ẩm thực…

Tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững. Đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

“Sông nước mênh mông thế này mà xả thải thì cả làng, cả xóm, cả mấy tỉnh ô nhiễm chứ không chỉ một tỉnh. Phải lo cho cái chung. Trung ương, Quốc hội đều đặt vấn đề phải xử lý nghiêm việc này”, Thủ tướng nói.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp kịp thời phối hợp tốt hơn nữa với chính quyền địa phương để tháo gỡ, giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Thủ tướng chứng kiến đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư và biên bản hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục