Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng kiểm tra phòng dịch ở vùng đỏ Bình Dương, Đồng Nai
Thứ bảy: 08:57 ngày 28/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương chấn chỉnh việc tiếp nhận đường dây nóng, cần sâu sát và hỗ trợ ngay khi người dân cần.

Ngày 27-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bình Dương, Đồng Nai.

Tại hai tỉnh, Thủ tướng chỉ đạo chính quyền cần tập trung, dồn sức điều trị F0 nặng và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chấn chỉnh ngay đường dây nóng

Tại Bình Dương, Thủ tướng đã kiểm tra ở bệnh viện; khu cách ly, điều trị F0; khu nhà trọ công nhân tại TP Thuận An, nơi đang là vùng đỏ, có bốn phường bị khóa chặt vì “đậm đặc F0” và thăm, kiểm tra tại Công ty TNHH Saigon Stec (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một).

Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Đồng Nai phải bảo đảm được cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc. Ảnh: VH

Trong sáu địa điểm thì tại khu nhà trọ thuộc khu phố Bình Quới A (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An), Thủ tướng đã đề nghị người dân gọi điện thoại vào các số đường dây nóng do địa phương cung cấp để yêu cầu hỗ trợ y tế. Người dân đã gọi điện thoại vào đường dây nóng nhưng đến lần thứ tư mới có người bắt máy.

Tiếp đó, Thủ tướng đề nghị người dân gọi tới số điện thoại khẩn cấp của phường hỗ trợ về thực phẩm. Tuy nhiên, số điện thoại này tắt máy. Sau nhiều lần gọi, tổng đài viên trả lời nhưng câu trả lời với người dân là “khi nào cần thì gọi”.

Thủ tướng liền chỉ đạo cho chính quyền địa phương phải chấn chỉnh ngay, không để tình trạng này tái diễn. Thủ tướng yêu cầu phải có người trực 24/24 giờ để tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh của người dân. Để người dân gọi điện thoại nhiều lần không bắt máy và để máy bận là chưa đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của người dân.

Thu dung người lang thang, cơ nhỡ để thực hiện an sinh xã hội

Ngày 27-8, Thủ tướng ký công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành; bộ trưởng Bộ Công an và bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo lực lượng công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Theo công điện, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại một số địa phương đã xuất hiện người lang thang, cơ nhỡ không có việc làm, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Việc người lang thang, cơ nhỡ thường xuyên di chuyển có nguy cơ mắc làm lây lan dịch COVID-19. Đ.MINH

Phải xem xã, phường, doanh nghiệp là pháo đài

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương kết nối trực tuyến với các địa phương trong tỉnh, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương tổ chức phòng chống dịch và bước đầu đã có hiệu quả, có những bước chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn ba địa phương là TP Thuận An, TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tập trung toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn để tạo vùng xanh trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong cuộc chiến này phải coi mỗi xã, phường, doanh nghiệp là một pháo đài. Mỗi người dân là một chiến sĩ, người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong các pháo đài ấy.

“Mỗi pháo đài xã, phường phải thực hiện toàn diện hơn nữa, quyết liệt hơn nữa với bốn nhiệm vụ trọng tâm như: Vận động, kêu gọi người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả người dân, khi người dân cần thì phải đáp ứng ngay. Đáp ứng tốt vấn đề y tế cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu chăm sóc y tế. Tỉnh cũng chú trọng đảm bảo tình hình trật tự an toàn xã hội trong suốt thời gian chống dịch để người dân yên tâm” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng thăm hỏi, động viên các y bác sĩ tại BV dã chiến hồi sức Becamex ở Bình Dương. Ảnh: L.ÁNH

Đồng Nai cần tiếp tục tầm soát các ổ dịch

Chiều cùng ngày, Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và TP Biên Hòa, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Tại xã Thạnh Phú, Thủ tướng hỏi thăm, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch và chỉ đạo địa phương phải bảo đảm được cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, đáp ứng lương thực, thực phẩm; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn. “Bảo đảm an dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội; kêu gọi, vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn, tích cực, chủ động cộng tác, thực hiện các biện pháp đã đề ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu địa phương tiếp tục tầm soát để phát hiện sớm các ổ dịch tại các khu vực có nguy cơ cao như chợ, nhà trọ, các cơ sở sản xuất nhỏ và các đối tượng có nguy cơ… Tập trung dồn sức lực điều trị F0 nặng và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong đợt dịch lần thứ tư này, đến sáng 27-8 đã ghi nhận tổng số ca nhiễm là 21.539. Tổng số người xuất viện lên đến 9.058 và có 161 ca tử vong.

Bình Dương xin hỗ trợ tiền, thiết bị và nhân viên y tế

. Đồng Nai phát hiện gần 2.900 ca nhiễm qua test nhanh trên diện rộng.

Bình Dương đang có gần 90.000 ca nhiễm, trong đó đã có 19.091 người khỏi bệnh, 716 bệnh nhân tử vong. Tỉnh có 24 khu điều trị với gần 19.000 giường bệnh.

Bình Dương dự báo trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ có đến 150.000 ca nhiễm.

Khi số ca nhiễm tăng cao, kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch vượt quá khả năng cân đối, dự kiến sẽ thiếu gần 8.000 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thời gian tới, nhiều đoàn y bác sĩ của các tỉnh hỗ trợ Bình Dương sẽ hết thời gian hỗ trợ trong khi đang thiếu nhân lực y tế cho 100 trạm y tế lưu động và các trang thiết bị, thuốc men cho công tác chống dịch.

Bình Dương đề nghị Chính phủ chi viện thêm đội ngũ y bác sĩ cho Bình Dương và thuốc để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bình Dương cũng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ 50 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 50 bác sĩ chuyên khoa, 100 điều dưỡng hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm, 100 điều dưỡng - kỹ thuật viên, 10 máy thở xâm lấn, 20 máy thở không xâm lấn, hai hệ thống ôxy dòng cao HFNO, bốn máy X-quang di động, 100 máy đo SpO2 cầm tay.

Đặc biệt, tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục phân bổ vaccine để tiêm cho 2 triệu người dân thuộc vùng đỏ.

• Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, vẫn phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 qua hai lần xét nghiệm, dự báo xét nghiệm lần ba số ca dương tính còn cao.

Chiến dịch xét nghiệm test nhanh diện rộng trên toàn tỉnh đã qua hai vòng (vòng 1 từ ngày 18 đến 21-8, vòng 2 từ ngày 23 đến 26-8), phát hiện 2.872 ca nhiễm bệnh. Hiện còn 379 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả khẳng định bằng phương pháp PCR.

Qua test sàng lọc trên diện rộng, ngành y tế phát hiện một số ổ dịch ở một số phường có các ổ dịch cũ. Số lượng lớn ca dương tính vẫn tập trung ở các khu nhà trọ.

Đặc biệt, địa bàn TP Biên Hòa còn phát hiện những ổ dịch mới, như tại phường Long Bình Tân có một doanh nghiệp trong khu vực phong tỏa vẫn hoạt động, tuy nhiên lại không thực hiện “ba tại chỗ”, cho công nhân đi về gây lây nhiễm. Hiện có 54 trong tổng số 106 công nhân nhiễm COVID-19 và gây ra các ổ dịch mới trong các khu nhà trọ tại phường Long Bình Tân.

Ổ dịch mới tại BV Tâm thần trung ương 2 đã ghi nhận chín ca nhiễm. Ngoài ra, số ca nhiễm tại Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa là 88, trong đó chủ yếu là bệnh nhân, có hai nhân viên tại Khoa nam 1.

Tại các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và Trảng Bom, qua xét nghiệm sàng lọc vẫn phát hiện nhiều ca dương tính qua hai lần xét nghiệm, dự báo xét nghiệm lần ba số ca dương tính còn cao. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến về số ca mắc và không phát hiện ổ dịch mới.

Các ca nhiễm mới vẫn ghi nhận chủ yếu ở các ổ dịch cũ như xã Thiện Tân, Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu; xã Hiệp Phước, Phước Thiền, Phú Hội, huyện Nhơn Trạch; xã Hố Nai 3, Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Số lượng lớn ca dương tính vẫn tập trung ở các khu nhà trọ. Nhiều ổ dịch sau ba lần xét nghiệm vẫn chưa thể bóc tách hết ca nhiễm.

Theo ngành y tế tỉnh Đồng Nai, cần xem xét giải pháp giãn cách, thậm chí giải phóng một số khu nhà trọ ở các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa để khống chế lây nhiễm dây dưa, kéo dài giúp giảm nhanh số ca nhiễm tại các khu vực này.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục