Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng mời doanh nghiệp Nhật Bản 'mở hàng' EVFTA
Thứ ba: 08:37 ngày 02/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Hôm qua tôi đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU - EVFTA, IPA và bay trở lại Nhật Bản trong ngày. Có thể nói các bạn là những người mở hàng đầu tiên khi 2 hiệp định này vừa ký”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư, tổ chức sáng 1/7, tại Tokyo, Nhật Bản.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Miền đất lành cho các tập đoàn Nhật Bản

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao G20 và thăm Nhật Bản, ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thủ tướng cũng dự tọa đàm với những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản và tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư, trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dòng chảy thương mại toàn cầu, mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản mở hàng EVFTA và IPA.

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản vì sự thịnh vượng và tin tưởng nhau” trong một hội trường chật kín đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đến Nhật Bản lần này, so với những năm trước, tôi càng có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản”.

Tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới. Quy mô nền kinh tế đã đạt trên 245 tỷ USD và Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần, đạt tối thiểu 2.500 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 20.000 USD.

“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại và đầu tư lớn hàng đầu thế giới với độ mở thương mại hiện đạt trên 200% GDP, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết, ngày 30/6, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU - EVFTA và IPA. “Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.

“Ngay trước khi vào đây, chúng tôi đã tiếp 20 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật, để lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của họ và sau đây cùng với các bộ, ngành, địa phương tìm cách giải quyết”, Thủ tướng nói.

“Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. Điều đặc biệt là hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra sau đúng 2 tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa), hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho hợp tác song phương Việt Nam- Nhật Bản”, Thủ tướng nói.

Cộng đồng người Việt là “tài sản chung quý giá”

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện Nhà Vua Naruhito lên ngôi và việc Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao G20. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao G20. Thủ tướng Abe cũng đánh giá cao cộng đồng hơn 330.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên đã thống nhất về các thủ tục để cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam và táo của Nhật Bản. Việt Nam đề nghị Nhật Bản xem xét sớm cho phép nhập khẩu nhãn, vú sữa, chanh leo và hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản đề nghị cho phép nhập khẩu cam của Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Hai bên nhất trí phối hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 6 văn kiện: Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Nhật Bản liên quan đến khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án Học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS); Hợp đồng vay vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo giữa Vietcombank và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến việc trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… với tổng trị giá lên đến hơn 8 tỷ USD.

Cơ hội cho lao động Việt Nam sang Nhật Bản

Ngày 1/7, Bộ trưởng LĐ TB&XH Đào Ngọc Dung ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản thực hiện chương trình “lao động kỹ năng đặc định” với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi. Theo đó, MOC sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam và giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Quy định trong MOC sẽ hạn chế việc lợi dụng chương trình du học để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Theo quy định tại MOC, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động “kỹ năng đặc định” người Việt Nam với đủ các điều kiện như: tên trong “danh sách xác nhận” của Bộ LĐ TB&XH Việt Nam; Du học sinh đã tốt nghiệp ít nhất khóa học 2 năm của các trường tại Nhật Bản và thi đỗ các kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và tiếng Nhật... MOC cũng nêu rõ, nghiêm cấm du học sinh bị đuổi học, thực tập sinh kỹ năng bỏ ra ngoài hợp đồng hoặc những người xin tư cách tỵ nạn tham gia các kỳ kiểm tra kỹ năng tại Nhật Bản.Quỳnh Nga

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục