Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu
Thứ ba: 19:25 ngày 08/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 7/1, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Heidi Hautala, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số ý kiến về hiệp định thương mại tự do, hiệp định về thương mại lâm sản giữa hai bên cũng như vấn đề chống đánh bắt cá bất hợp pháp…

Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên tiếp xúc, tiếp xúc cấp cao, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hợp tác kinh tế hai bên đạt kết quả rất tích cực. EU là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn của Việt Nam.

Việt Nam luôn coi hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Chủ tịch EP sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ họp tác Việt Nam - EU nói chung và quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Phó Chủ tịch EP cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này, bà cùng đoàn công tác gặp gỡ các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng như khảo sát thực tế về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mà bà là báo cáo viên và thành viên Ban Soạn thảo Hiệp định tại Ủy ban Thương mại quốc tế của EP. Hiệp định này đã được ký vào tháng 10/2018 nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm EU và dự Hội nghị ASEM lần thứ 12.

Cho biết EP sẽ sớm xem xét việc thông qua VPA, bà Heidi Hautala cũng chia sẻ với sự quan tâm lớn của phía Việt Nam về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một FTA thế hệ mới.

Theo bà Heidi Hautala, nội dung của VPA và quy định về IUU (chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) là công cụ mang tính đổi mới, sáng tạo trong thương mại giữa hai bên, bảo đảm cho phát triển bền vững. Hiện nay, thị trường EU ngày càng có nhu cầu lớn về các mặt hàng được xuất khẩu từ các nước bảo đảm tính minh bạch trong quá trình sản xuất và tính bền vững của chuỗi cung ứng sản xuất ra sản phẩm đó.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Bà nhìn nhận Việt Nam là đối tác đầy tiềm năng về thương mại lâm sản, gỗ thông qua VPA. Hai bên đã đạt đồng thuận về VPA, điều quan trọng bây giờ là vấn đề thực thi. EU luôn sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.    

Ghi nhận các ý kiến của Phó Chủ tịch EP, Thủ tướng mong nhận được sự ủng hộ của EP và cá nhân bà Heidi Hautala trong thúc đẩy ký chính thức EVFTA. Việc sớm đưa EVFTA vào thực hiện sẽ tạo động lực mới, thúc đẩy hợp tác giữa EU và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, phục vụ lợi ích của cả hai bên.

Về IUU, Thủ tướng cho biết, ngay sau khi EC cảnh cáo “thẻ vàng” liên quan đến hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã tập trung vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC, trong đó xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm.

Chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách phát triển nghề cá bền vững; phòng, chống và hướng tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, hoặc không theo quy định.

Thủ tướng đề nghị Phó Chủ tịch EP quan tâm thúc đẩy Ủy ban châu Âu xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Về Hiệp định VPA/FLEGT, Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương và định hướng rõ ràng của Việt Nam là phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, trong đó chú trọng phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu bền vững và sử dụng nguyên liệu hợp pháp.

Chính phủ Việt Nam đang có chỉ đạo rất mạnh mẽ và quyết liệt các biện pháp để kiểm soát gỗ nhập khẩu, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ liên quan đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Hiệp định này trong Quý 1/2019.

Thủ tướng cũng mong nhận được sự ủng hộ của EP và cá nhân bà Heidi Hautala thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định này để có cơ sở pháp lý thực thi nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp, mang lại lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội cho cả hai bên.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bà Heidi Hautala cho biết, về IUU, phía Ủy ban châu Âu bày tỏ vui mừng khi Việt Nam tiếp thu những khuyến nghị để điều chỉnh và “chúng tôi hy vọng sớm nhìn thấy sự dỡ bỏ “thẻ vàng” trong thời gian tới”.

Theo bà Heidi Hautala việc thực thi VPA/FLEGT sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong khu vực khi mà các quốc gia láng giềng của Việt Nam, các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu gỗ chắc chắn sẽ nhìn vào góc độ pháp lý của vấn đề thương mại gỗ. Về EVFTA, theo bà Heidi Hautala, hai bên sẽ nỗ lực làm những gì có thể để bảo đảm việc phê chuẩn Hiệp định này.

Nguồn Chinhphu

Tin cùng chuyên mục