Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng yêu cầu công tác thương vụ phải chủ động, sáng tạo
Thứ tư: 20:23 ngày 07/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 ngày 7/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội thế giới có những chuyển biến nhanh, khó lường, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi thương vụ phải chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành hữu quan và các tham tán thương mại Việt Nam tại 57 thương vụ và 7 chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp và ngành hàng.

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại trên cơ sở quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2017.

Hội nghị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hoàn thiện công tác thương vụ cũng như tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Không thụ động ngồi “nhờ” giúp

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành công thương và các tham tán, thương vụ Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước. Trong đó, phải kể đến các kỷ lục như kim ngạch thương mại 2017 là 425 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD. Các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt hơn, có lợi cho nhà đầu tư và xuất khẩu. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và riêng thưởng Tết năm nay đối với người lao động đã tăng khoảng 13%.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, trong đó nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam như tôm, xoài, thanh long, vãi, nhãn, chôm chôm… tiếp cận thị trường các nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: VGP News)

Thủ tướng khẳng định luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác để xem “nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao…” để chúng ta có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, lợi thế so sánh.

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội thế giới có những chuyển biến nhanh, khó lường, kinh tế số, kinh tế công nghệ đã vươn lên mạnh mẽ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với nhịp độ nhanh, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi thương vụ phải chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể cho công tác thương vụ trong thời gian tới.

Thứ nhất là sự phục vụ. Chính phủ liêm chính, phục vụ, hành động thì thương vụ cũng phải phục vụ sự phát triển, phục vụ doanh nghiệp phát triển. Phải thực hiện tốt phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” bằng các việc làm cụ thể. Đó là quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” giúp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại. Kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành của nước sở tại để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

“Các đồng chí thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Toàn cảnh Hội nghị tham tán thương mại năm 2018. (Ảnh: D.T)

Thứ hai, về cơ hội thị trường, nói đến thương vụ là nói đến thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa bỏ các khoảng cách, nhiều hướng kinh doanh mới xuất hiện, thị trường cần phải hiểu theo nghĩa rộng là nơi mang lại nguồn lực cho đất nước như dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, năng lực sản xuất trong nước hiện rất lớn và vấn đề lo nhất là lo thị trường ổn định, chấp nhận sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi thương mại tự do (FTA) để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, khai thác các cơ hội, phòng tránh rủi ro; phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA.

Làm việc với các bộ, cơ quan quản lý thương mại của nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh bảo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.

Thứ ba là tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của thương vụ - một cơ quan thành viên của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

“Các đồng chí phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu, bao bì tốt, không được “tiền hậu bất nhất”, phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo điều kiện hơn cho sản xuất, xuất khẩu thì thương vụ Việt Nam ở nước ngoài “mới nói mạnh miệng được”.

Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới

Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác hiệu quả của Bộ Công Thương, đặc biệt là các cán bộ làm công tác thương vụ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, vai trò của các tham tán thương mại tại các cơ quan đại diện có ý nghĩa rất quan trọng.

“Trong thời gian qua, chúng ta đã thực sự hành động theo đúng phương châm ‘đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể’. Cùng tập thể các cơ quan đại diện, nhiều tham tán thương mại tại các địa bàn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đã nỗ lực không mệt mỏi để góp phần đưa con cá, con tôm, trái xoài, quả vú sữa, quả thanh long… của chúng ta vào được các thị trường nổi tiếng khắt khe”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, đầu tư với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu như năm 1986, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước mới đạt 2,944 tỷ USD thì năm 2017 con số này đã vượt trên 400 tỷ USD, tăng gấp khoảng 140 lần.

Thứ trưởng Ngọa igiao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: D.T)

Trong đó, 29 thị trường kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên. Nhiều nhóm hàng của Việt Nam như cà phê, gạo, hạt tiêu, dệt may, giày dép, điện thoại... ngày càng được ưa chuộng và có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Về hoạt động kinh tế đối ngoại, Bộ Công Thương đã góp phần to lớn cho sự thành công của trên hơn 10 hiệp định FTA song phương, đa phương với nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới. 

Trong thành công chung đó, vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được ví như những cầu nối kết nối thị trường Việt Nam với thế giới và ngược lại .

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2017 đã hỗ trợ nhiều diễn đàn doanh nghiệp, cũng như các hoạt động Xúc tiến thương mại giúp đưa hàng Việt Nam đẩy mạnh đưa vào hệ thống phân phối của nước ngoài. Các tham tán cũng  đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm hiểu thị trường kết nối đối tác để phát triển thương mại, đưa hàng hóa tiếp cận với thị trường nước sở tại.

Được biết, năm 2017 tình hình kinh tế thế giới có khởi sắc hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là xu thế bảo hộ mậu dịch diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến toàn cầu hóa và cả Việt Nam. Năm 2018 dự báo còn nhiều tiềm ẩn và thách thức cũng như đan xen cơ hội. Năm 2018 cũng là nhiệm vụ trọng tâm cho các FTA thế hệ mới đang đàm phán hoặc ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Đây chính là thách thức đặt ra cho các tham tán, đòi hỏi sự năng động và có nhiệm vụ cụ thể để có thể tham mưu chính sách cho nhà nước cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng.

Trong hai năm ‎2016-2017, các thương vụ đã tổ chức hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin về thị trường, cập nhật các quy định về xuất nhập khẩu, kết nối giao thương… Công tác xúc tiến thương mại của các thương vụ đổi mới theo hướng tập trung vào một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm các hoạt động xúc tiến thương mại chung chung.

Các Thương vụ cũng đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp mà nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam áp dụng. Cụ thể các Thương vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp xử lý 12 vụ trong năm 2016, 13 vụ trong năm 2017 và hàng chục vụ việc chống bán phá giá phát sinh từ những năm trước.

Nguồn baoquocte
Tin liên quan