Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhìn chung, hệ thống TVTH đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều đơn vị trường đã xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú và chất lượng, đáp ứng hầu hết các chương trình, ngành học, bậc học, phục vụ việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh.
Thư viện Trường TH Kim Ðồng.
Hiện nay, hầu hết các trường học đều có thư viện. Nhiều trường đầu tư khá lớn cho thư viện trường mình đạt chuẩn theo Quyết định số 01/2003/QÐ-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Tuy nhiên, thực tế học sinh vẫn chưa mặn mà với thư viện trường. Nguyên nhân vì sao? Làm thế nào để thư viện là nơi tìm đến của giáo viên, học sinh trong việc tìm kiếm thông tin dạy và học, đúng như vai trò của nó? Ðó là một trong những vấn đề trăn trở của nhiều nhà quản lý giáo dục hiện nay.
Ðầu tư khá lớn
Theo ông Bùi Tuấn Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính- Sở Giáo dục và Ðào tạo, nhiều năm qua, ngành Giáo dục tỉnh nhà luôn đầu tư lớn cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu thư viện cũng như hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý hệ thống thư viện trường học (TVTH). Ngoài ra, nhiều đơn vị trường cũng chủ động kinh phí, tự trang bị thêm sách chuyên môn, báo, cơ sở vật chất cho thư viện.
Theo số liệu báo cáo tổng kết quy hoạch TVTH của Sở Giáo dục và Ðào tạo (giai đoạn 2011-2015), toàn tỉnh có 261 trường tiểu học, 107 trường THCS, 31 trường THPT, hầu hết các trường đều có thư viện. Trong số đó đã có 344/399 (chiếm gần 90%) TVTH đạt chuẩn, gồm: có 42 thư viện xuất sắc (chiếm 12,2%), 130 thư viện tiên tiến (chiếm 37,8%), 172 thư viện đạt chuẩn (chiếm 50%).
Ngoài ra, vốn tài liệu in ấn của các TVTH phổ thông hiện nay khá phong phú với hơn 82 ngàn tên sách, gần 938 ngàn bản, trong đó, sách giáo khoa và sách tham khảo, bổ trợ chiếm trên 9%. Số lượng tạp chí khoa học chuyên ngành trong các trường phổ thông là 69 ngàn bản.
Ðội ngũ cán bộ thư viện tuy số lượng tăng chậm, nhưng về chất lượng lại được chú trọng bồi dưỡng. Trong giai đoạn 2011-2015, số lượng nhân viên thư viện tăng từ 369 (2010-2011) lên 399 người, trong đó, số cán bộ có trình độ đại học chiếm 12,29%, cao đẳng chiếm 51,88%, còn lại 35,83% là trình độ từ THCN trở xuống.
Nhìn chung, hệ thống TVTH đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều đơn vị trường đã xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú và chất lượng, đáp ứng hầu hết các chương trình, ngành học, bậc học, phục vụ việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh.
Nhiều thư viện trường học được đầu tư khang trang.
Khó khăn vẫn còn nhiều
Một số trường TH, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Tây Ninh, chưa có thư viện hoàn chỉnh, hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức, không phát huy được hiệu quả.
Em Ð.H.M, học sinh lớp 8 Trường THCS Võ Văn Kiệt cho hay, số lần em đến thư viện từ lớp 6 đến nay có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì hầu hết các bạn thường ôn bài ở lớp học thêm do thầy cô tổ chức.
Cô Lê Thị Phương, cán bộ thư viện Trường THPT Tây Ninh cho biết, thư viện mở cửa theo thời gian học của học sinh nên các em chỉ có thể đến vào giờ giải lao hoặc trống tiết. Tuy nhiên, thời gian đó, đa phần các em đều muốn hoạt động, vui chơi nên rất ít khi đến thư viện.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thư viện luôn thiếu hụt nhân sự. Theo số liệu thống kê về thực trạng đội ngũ cán bộ thư viện trường phổ thông năm học 2014-2015 của Sở GD-ÐT, bình quân 1 cán bộ thư viện phục vụ 473 giáo viên, học sinh.
Trong khi toàn tỉnh chỉ có 399 cán bộ thư viện trong các trường TH, THCS, THPT. Số cán bộ thư viện như vậy vẫn chưa bảo đảm được công tác hoạt động vì số lượng học sinh, giáo viên ở tất cả các đơn vị thuộc trường phổ thông quá lớn.
Tình trạng quá tải công việc diễn ra thường xuyên, cán bộ thư viện vừa phải bảo đảm phục vụ bạn đọc, vừa đảm nhận các công việc kiêm nhiệm (thủ quỹ, nhân viên y tế, văn thư…).
Thời gian gần đây, mặc dù nhiều đơn vị trường đã đầu tư cơ sở vật chất như máy tính, bàn ghế… nhưng vẫn chưa đầu tư nhiều về nguồn vốn tài liệu thư viện. Ða số tài liệu nội dung chưa phong phú, đa dạng. Phần lớn tài liệu của trường là sách giáo khoa và sách tham khảo, ít những tài liệu giải trí. Nhiều thư viện sách cũ chiếm tới 70-80% nhưng vẫn chưa thanh lý, chưa bổ sung thêm tài liệu mới để cải thiện hoạt động thư viện.
Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin ngày càng dễ dàng với hệ thống internet, điện thoại thông minh nên học sinh ít khi chịu khó tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống. Dù hiện nay nhiều trường đã đầu tư hệ thống máy tính, nhưng nhìn chung, hệ thống này đã lạc hậu, nên thư viện khó thu hút được học sinh.
Mô hình tủ sách tự chọn.
Giải pháp nào để phát huy thư viện trường học?
Ông Bùi Tuấn Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Sở GD&ÐT cho biết, để triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi TVTH sang thư viện điện tử, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường bố trí nguồn kinh phí đầu tư bàn ghế, tủ kệ, máy móc chuyên dụng và hỗ trợ phần mềm quản trị thư viện tích hợp các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo xây mới các phòng thư viện ở các trường có diện tích phòng đọc cho giáo viên và học sinh không đạt quy chuẩn. Ðồng thời, yêu cầu bổ sung cán bộ chuyên ngành CNTT và ngoại ngữ cho thư viện.
Tuy nhiên, thiết nghĩ, bản thân cán bộ thư viện cũng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các dịch vụ thư viện.
Chẳng hạn tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các cán bộ lớp hay những bạn thường xuyên lên thư viện, hoặc phối hợp cùng ban giám hiệu trường tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm khơi gợi văn hoá đọc cho học sinh như: tổ chức những cuộc thi về giới thiệu sách hay, vẽ tranh theo chủ đề của sách, tổ chức các chuyên đề nói chuyện sách gắn với những sự kiện lớn...
Về phía nhà trường, ban giám hiệu các trường phổ thông cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của thư viện trong nhà trường để tạo điều kiện cho thư viện phát triển, bố trí sắp xếp cán bộ thư viện phù hợp, đổi mới phương thức quản lý tài liệu, sắp xếp lại giá sách, kệ tủ để bạn đọc sử dụng, tra cứu dễ dàng; thường xuyên cập nhật tài liệu mới, giới thiệu sách mới; tổ chức phòng đọc, khu vực đọc hợp lý hơn.
Ngoài ra, các trường cũng cần bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi, an toàn, thoáng mát, có phòng đọc hoặc khu vực đọc cho giáo viên, học sinh; kho sách cần đầy đủ và phong phú hơn nữa, tạo điều kiện cho việc đọc, nghiên cứu và tổ chức tốt các hoạt động tại thư viện. Cần đẩy mạnh xã hội hoá để huy động các nguồn lực xây dựng tủ sách, báo, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các hoạt động thư viện.
Ðồng thời, các trường cũng nên đưa các hình thức “Thư viện thân thiện”, “Thư viện thông minh”… vào hệ thống TVTH để thu hút học sinh.
Ngọc Bích
Trường tiểu học Kim Ðồng (thành phố Tây Ninh) là một trong những trường có hoạt động thư viện khá tốt. Thư viện của trường có hai phòng đọc tươm tất dành cho học sinh và giáo viên. Thư viện có khoảng 7 ngàn đầu sách, trong đó có hơn 4 ngàn đầu sách dành cho học sinh, bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, sách truyện và tranh ảnh. Ngoài ra, thư viện còn có tủ sách tự chọn với những đầu sách được chọn lọc có nội dung phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh. Trung bình một ngày có gần 200 lượt học sinh đến đọc và mượn sách, một con số khá ấn tượng đối với thư viện cấp trường.
Cô Phạm Thanh Thảo, cán bộ thư viện Trường TH Kim Ðồng cho biết, thư viện rất được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, chú trọng, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như “Ngày hội triển lãm sách, báo”, “Cuộc thi cảm nhận về quyển sách hay”, “Ngày hội góp sách thiếu nhi”... qua đó, khuyến khích học sinh đọc sách. Mỗi năm nhà trường bổ sung hàng trăm đầu sách tham khảo, chuyên môn, văn học… dành cho giáo viên và học sinh.