Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ bảy: 05:49 ngày 10/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong thời gian tới, để thúc đẩy các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX, trong đó bố trí vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hằng năm hỗ trợ các HTX nông nghiệp thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…

Ông Cảnh bên vườn rau.

Thời gian qua, vấn đề ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách để thực hiện. Cụ thể, Tỉnh uỷ ban hành Chương trình số 07-CTr/TU ngày 22.12.2016 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 5 quyết định về chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Sở NN&PTNT, do các chính sách này vừa mới ban hành nên chưa có hợp tác xã (HTX) tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Hiện nay, tỉnh đang tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 cho các HTX, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân (theo Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 15.12.2017 của UBND tỉnh).

Còn theo Phòng Nông nghiệp huyện Hoà Thành, trên địa bàn huyện có 11 HTX, trong đó có 3 HTX nông nghiệp. Trong lĩnh vực này có 1 HTX có ứng dụng công nghệ cao là HTX Rau an toàn Long Mỹ ở ấp Sân Cu, xã Long Thành Bắc. HTX thực hiện 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: hệ thống nhà màng trồng dưa lưới với diện tích 600m2 và hệ thống vườn ươm cây giống với diện tích nhà lưới 500m2. Hai dự án này có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 30% (hơn 340 triệu đồng), còn lại là nguồn vốn đối ứng của HTX.

Hiện nhà màng trồng dưa lưới của HTX rau an toàn Long Mỹ được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ của Israel, còn nhà lưới của vườn ươm cây giống được lắp đặt hệ thống tưới tự động béc phun sương. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT HTX Rau an toàn Long Mỹ cho biết, vừa qua, HTX đã sản xuất vụ dưa lưới đầu tiên với khoảng 2.200 cây giống trên diện tích 600m2. Đến tháng 12.2017, dưa lưới cho thu hoạch, sản lượng trên 1 tấn trái và được một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ.

Đối với vườn ươm giống, mục đích của HTX là cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng, không chỉ cho các thành viên HTX mà còn cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vào các tháng mưa, khi tỷ lệ cây giống ươm không đạt nhiều. HTX sẽ ươm giống của hầu hết các loại rau màu như bầu, bí, khổ qua, dưa leo, mướp, rau cải, ớt...

Anh Bình cho biết, HTX đầu tư máy xay nhuyễn phân, máy ươm giống đóng bầu đất, có tổng chi phí đầu tư khoảng 210 triệu đồng. Hai máy này chỉ cần 1 người điều khiển có thể thay thế được cho 20 nhân công. Sau khi ươm giống, đóng bầu đất, cây giống sẽ được đưa vào nhà lưới chăm sóc. Khoảng 15 ngày, hạt giống nảy mầm, phát triển cứng cáp thì HTX sẽ xuất bán.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đối với HTX là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một việc rất khó. “Không phải muốn ứng dụng là có thể ứng dụng được mà đòi hỏi người nông dân phải tự nâng cao trình độ chuyên môn”, anh Bình chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoà Thành, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp triển khai từ năm 2017. Các HTX đều muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhưng do vốn đầu tư cao, nên chỉ có HTX nào mạnh mới có vốn đối ứng.

HTX dịch vụ thuỷ lợi sản xuất rau an toàn Lộc Khê (xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) có 43 thành viên với tổng diện tích sản xuất 10 ha. Năm 2015, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các loại rau như khổ qua, bầu, bí đao, đậu bắp, đậu đũa, mướp... với diện tích khoảng 2,5 ha. Ngoài ra, HTX còn trồng các loại rau khác như quế vị, rau cần, diếp cá, rau nhái, lá cóc...

Từ năm 2015 đến nay, HTX đã ký hợp đồng cung cấp rau cho 1 doanh nghiệp tại TP. HCM để đưa vào siêu thị với số lượng bình quân khoảng 1,2 tấn rau các loại/ngày. Ông Tạ Tấn Cảnh, Chủ tịch HĐQT HTX  cho biết, HTX rất mong muốn có thể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cụ thể là xây dựng hệ thống nhà màng.

“Nếu làm nhà màng thì HTX được Nhà nước hỗ trợ khoảng 30% kinh phí, còn lại là nguồn vốn của HTX. Tuy nhiên, 70% kinh phí còn lại là con số lớn đối với HTX nên HTX chưa có khả năng thực hiện”.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng, việc ứng dụng công nghệ cao trong HTX nông nghiệp có ý nghĩa thiết thực, và sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của HTX. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao và triển khai thực hiện chính sách ứng dụng công nghệ cao trong các HTX nông nghiệp còn hạn chế, do kinh phí phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp còn ít, hạn chế, quy mô còn nhỏ, phát triển thiếu tính bền vững. Toàn tỉnh mới chỉ có 5 HTX (chiếm tỷ lệ khoảng 8% trên tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh) có ứng dụng công nghệ cao. Các HTX ứng dụng công nghệ cao đều có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các công ty trong và ngoài tỉnh.

Hiện các HTX này đang áp dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), cụ thể là chọn và xử lý giống tốt, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học và thiên địch trừ sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học, sử dụng màng nylon để phủ đất...

Có một số HTX đầu tư hệ thống nhà màng, tưới tiết kiệm nước; trồng thuỷ canh trong nhà màng hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng cơ giới hoá 1 phần.

Dưa lưới trồng trong nhà màng của HTX rau an toàn Long Mỹ.

Nguyên nhân khiến các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều là do các thành viên chưa mạnh dạn tiếp cận công nghệ, sợ rủi ro. Các HTX mới chỉ áp dụng công nghệ cao tại một khâu hay một công đoạn của sản xuất.

Bên cạnh đó, các sản phẩm được tạo ra từ kết quả ứng dụng công nghệ cao trong HTX nông nghiệp chưa được thị trường tiếp nhận rộng rãi. Một nguyên nhân khác là việc thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng còn gặp nhiều khó khăn, không ổn định.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các HTX, trong đó bố trí vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hằng năm hỗ trợ các HTX nông nghiệp thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện chính sách về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học và công nghệ mới; hướng dẫn hỗ trợ các HTX nông nghiệp đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho nông sản.

GIANG HÀ

Tin cùng chuyên mục