Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc bền vững, cân bằng
Thứ năm: 09:59 ngày 30/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đồng thời với việc cùng xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Trung Quốc duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng bền vững, cân bằng.

Đối tác thương mại lớn nhất

Trong các buổi tiếp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) Vương Ninh đang ở thăm nước ta ngày 28-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển tích cực trên nhiều mặt trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua, trong đó có những kết quả đáng khích lệ về giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với tỉnh Vân Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn tỉnh Vân Nam và các địa phương biên giới Việt Nam là tiên phong trong thực hiện nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao, tiếp tục quán triệt về tình hữu nghị và tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung, cụ thể hóa Tuyên bố chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30-10 đến ngày 1-11-2022, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước.

Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam khẳng định, tỉnh Vân Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương Việt Nam quán triệt, thực hiện tốt nhận thức chung và thỏa thuận quan trọng giữa hai Tổng Bí thư của hai Đảng, cũng như những nhận thức chung đạt được tại Hội nghị giữa Bí thư các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam và tỉnh Vân Nam; tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các cấp, các ngành; đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi giữa hai bên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, nông nghiệp, du lịch; cùng nhau phối hợp quản lý tốt đường biên giới giữa hai nước.

Cùng ngày 28-3, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kể từ khi ông nhậm chức hồi cuối tháng 12-2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên có biện pháp thiết thực thúc đẩy hợp tác thương mại theo hướng cân bằng, bền vững, nỗ lực giải quyết vướng mắc, tồn tại trong một số dự án, thúc đẩy kết nối vận tải, sớm khôi phục hợp tác hiệu quả, bền vững trong lĩnh vực du lịch.

Chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam và cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc cho thấy quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển tốt đẹp và có nhiều tiến triển thực chất, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những trọng tâm. Từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5, cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 vẫn đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, còn nhập khẩu 117,87 tỷ USD. Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới... Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Hướng tới cân bằng cán cân thương mại

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ gần 20 năm nay nhưng hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước chưa thực sự bền vững, nhất là Việt Nam là bên nhập siêu quá lớn, gấp tới hơn 2 lần trong năm 2022 vừa qua. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc về nông sản, thủy sản… có khi chưa thông suốt, thuận lợi. Thực trạng trao đổi thương mại trên đây đã được Việt Nam và Trung Quốc nhìn nhận, trao đổi nhiều biện pháp tháo gỡ để hợp tác trong lĩnh vực phát triển cân bằng, bền vững.

Trong Thông cáo chung đưa ra trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30-10 đến ngày 1-11-2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước. Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại hoa quả có múi, tổ yến và một số nông thủy sản của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc.

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 9-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng. Người đứng đầu Chính phủ nước ta đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; khôi phục toàn diện hoạt động tại các cặp cửa khẩu biên giới và nâng cao năng lực thông quan; phối hợp triển khai, tận dụng tốt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đa phương.

Trao đổi giữa Bộ Thương mại hai nước thời gian qua, phía Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt giữa hai nước và hoạt động quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thủy sản Việt Nam. Việt Nam đề nghị Trung Quốc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường hợp tác về quản lý thị trường.

Trung Quốc coi trọng các đề xuất của Việt Nam, hiện đang phối hợp với cơ quan liên quan Việt Nam hoàn tất đàm phán Nghị định thư mở cửa thị trường Trung Quốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian tới; mong muốn mở rộng nhập khẩu các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam. Phía Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh, sẵn sàng phối hợp bảo đảm duy trì thông suốt, tránh gián đoạn và nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới với phía Việt Nam.

Nhằm hướng tới cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, tại buổi tiếp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên mở rộng hợp tác cùng có lợi với trọng tâm là tạo bước chuyển lớn về hợp tác kinh tế - thương mại, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, du lịch và giáo dục. Theo đó, Thủ tướng mong muốn tỉnh Vân Nam phối hợp duy trì ổn định, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới hai nước, nhập khẩu nhiều hơn nữa nông, thủy sản chất lượng cao của Việt Nam, tạo điều kiện và dành ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam dự các hội chợ quốc tế tại Vân Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam khẳng định, tỉnh Vân Nam mong muốn cùng các địa phương Việt Nam thực hiện tốt nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, duy trì trao đổi các cấp; tăng cường trao đổi về các dự án kết nối cơ sở hạ tầng; thúc đẩy hợp tác kinh tế, sẵn sàng mở rộng quy mô thương mại, trong đó tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Vân Nam và qua Vân Nam đến với các tỉnh thành lân cận… góp phần củng cố và đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương và nhân dân hai nước.

Nguồn anninhthudo

Tin cùng chuyên mục