Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019
Thứ sáu: 09:16 ngày 27/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 26.9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có ông Nguyễn Thành Tâm- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện thành phố.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, gần 10 năm qua, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế, đặc biệt trong năm nay tỷ lệ giải ngân thấp.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 4 hậu quả lớn khi giải ngân chậm: Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP; vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Giải ngân chậm cũng gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn; Doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm 2019 ước giải ngân đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó giải ngân vốn TPCP và ODA đều đạt thấp.

Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung.

Theo báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước 9 tháng cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra. Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế.

Một số nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Một số quy định sau thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như quyết định đầu tư phải trước 31.10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 2 năm, bãi bỏ quy định Thường trực HĐND được ủy quyền... cần được tháo gỡ.

Về khách quan, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn, như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương; điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Trong khi đó, danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hằng năm…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, mạnh mẽ để công tác giải ngân tốt hơn, khi còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2019. "Kiên quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục