Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thúc đẩy phát triển công nghiệp
Thứ hai: 14:26 ngày 22/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng trưởng công nghiệp trong quý I là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi và phát triển của ngành này và kỳ vọng lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng để tỉnh thực hiện tốt chỉ tiêu kinh tế năm 2024.

Về tổng thể, kinh tế Tây Ninh đặt trụ lực vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm ngành đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành. Tăng trưởng công nghiệp trong quý I là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi và phát triển của ngành này và kỳ vọng tiếp tục đóng góp quan trọng để thực hiện tốt chỉ tiêu kinh tế năm 2024 của tỉnh.

Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát thực tế dự án đầu tư về đô thị, nhà ở, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An (Ảnh: Xuân Vũ)

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, quý I.2024, hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc tích cực. Hoạt động công nghiệp có xu hướng phục hồi tốt, đạt mức tăng trưởng khá mặc dù khâu tiêu thụ, đơn hàng vẫn chưa thực sự ổn định.

3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng 14,02% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ bổ sung thêm năng lực mới đi vào hoạt động, hơn nữa cùng kỳ năm trước một số ngành tăng trưởng âm thì quý I năm nay sản xuất dần đi vào ổn định trở lại. Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, như: sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất kim loại, sản xuất phương tiện vận tải, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa...

Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,39% tập trung ở các ngành như sản xuất thiết bị điện tăng trên 47%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 31,25%, công nghiệp dệt tăng 34,37%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 16,38%, may trang phục tăng trên 16%...

Tăng trưởng công nghiệp trong quý I là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi và phát triển của ngành này và kỳ vọng lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng để tỉnh thực hiện tốt chỉ tiêu kinh tế năm 2024.

Để thúc đẩy công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh trong những tháng còn lại của năm 2024, vấn đề thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất gần 4.000 ha. Trong đó, 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động với tổng diện tích đất là gần 3.400 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là trên 2.500 ha, đã cho thuê trên 1.700 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 67%. Bên cạnh đó, trên địa bàn có 2 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu gồm KKT cửa khẩu Mộc Bài và KKT cửa khẩu Xa Mát.

Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành (KCN Trảng Bàng).

Ngày 1.3.2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, quy mô trên 495 ha do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoàn chỉnh các thủ tục triển khai thực hiện dự án KCN Hiệp Thạnh. Dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục trong năm 2025, bắt đầu triển khai hạ tầng trong năm 2026.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong quý I, tổng số vốn thu hút đầu tư vào các KCN, KKTCK đạt 59,38 triệu USD, giảm 26% so cùng kỳ. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu môi trường đầu tư tại các KCN, trong đó có 3 nhà đầu tư đang làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 33 triệu USD. Luỹ kế đến 27.3.2024, tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh thu hút được 389 dự án đầu tư (289 dự án FDI, 100 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9.100 triệu USD và trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, có 302 dự án đang hoạt động, 33 dự án đang xây dựng, 48 dự án chưa xây dựng, 6 dự án tạm dừng hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quý I.2024 vừa qua, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác xúc tiến đầu tư các KCN nhìn chung còn hạn chế, các yếu tố về chi phí logistics (tạm hiểu là dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất, phân phối sản phẩm của doanh nghiệp - PV) tăng khoảng 30% so với 10 năm trước, hệ thống cảng, logistics chưa được cải thiện, giá lao động, chất lượng lao động... của Tây Ninh chưa đáp ứng các dự án mới về kỹ thuật. Từ đó, sức cạnh tranh thu hút dự án đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh không được như trước đây, tỉnh cần có những giải pháp rõ ràng hơn trong phát triển KCN, giảm chi phí để thu hút dòng đầu tư nước ngoài tốt hơn.

Chỉ đạo nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm đề nghị các cơ quan liên quan làm việc với các chủ đầu tư KCN nhằm phối hợp và thống nhất đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục