Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Chủ nhật: 23:36 ngày 15/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Chuối là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu tại Tây Ninh (ảnh minh hoạ).

Tại điểm cầu Tây Ninh có ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT và đại diện các ngành liên quan, phòng nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tham dự.

Năm 2019, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch tả heo châu Phi, tác động của biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ… nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ GDP toàn ngành đạt 2,01%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD.  

Trong 2 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn như: chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hoá đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; sự gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro, suy thoái kinh tế thế giới trên diện rộng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung, thương mại nông sản nói riêng.

Bên cạnh đó, thị trường nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; thẻ vàng xuất khẩu thuỷ sản khai thác biển do Uỷ ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ...

Hiện dịch tả heo châu Phi đã cơ bản được khống chế nhưng vẫn gây khó khăn trong quá trình tái đàn. Cả nước đang có 44 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm chết, buộc tiêu huỷ là 137.180 con. Dịch cúm gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi tổng đàn gia cầm hiện nay rất lớn. 

Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, hàng hoá của Việt Nam.

Do đó, liên quan đến các giải pháp định hướng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản để đạt mục tiêu đề ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó lường, Bộ NN&PTNT cho biết, về cơ bản đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ đã đề ra.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa; rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi; phát triển các giống cây ăn trái có lợi thế tại các địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao công suất chế biến, đa dạng các sản phẩm chế biến bảo đảm yêu cầu xuất khẩu nông sản.

Các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn heo nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt heo trong nước; đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng con giống, sản phẩm giống trong sản xuất; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, ngành Công Thương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục