Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng phân bón cho nông dân với giá cả hợp lý
Chủ nhật: 11:14 ngày 19/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, giá cả vật tư nông nghiệp tăng nhưng một số mặt hàng nông sản, chăn nuôi bị giảm giá, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Cử tri ở nhiều địa phương đã kiến nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, có giải pháp bình ổn thị trường để người dân yên tâm sản xuất.

Một cơ sở kinh doanh phân bón (ảnh minh hoạ)

Vật tư nông nghiệp bao gồm các loại phân bón, thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... trong đó, có 2 mặt hàng theo quy định của Luật Giá thuộc hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là thuốc BVTV và phân bón (mặt hàng phải có bảng kê khai giá gửi cơ quan quản lý giá tại địa phương).

Trước đây, tại các cuộc tiếp xúc với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá X và sau kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh, cử tri xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) kiến nghị ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng tăng giá của các đại lý bán thức ăn gia súc, thuốc BVTV, phân bón phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ban, ngành thành lập đoàn kiểm tra (Quyết định số 257/QĐ-STC ngày 19.10.2021) kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố.

Qua kiểm tra, nhìn chung, giá bán các loại phân bón tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tương đồng nhau, giá bán tại thời điểm tháng 10.2021 của một số mặt hàng phân bón tăng từ 11,4% đến 109,21% so với giá bán tháng 3.2021.

Đối với các mặt hàng khác, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thanh tra, kiểm tra 6 đợt về vật tư nông nghiệp; kiểm tra 98 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV, lấy 236 mẫu (89 mẫu thức ăn chăn nuôi, 40 mẫu thuốc thú y, 86 mẫu phân bón, 42 mẫu thuốc BVTV) và xử lý 15 trường hợp vi phạm.

Giá phân bón tăng là do giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng, công suất sản xuất của nhà máy chưa được cải thiện, lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón... Do ảnh hưởng mạnh mẽ bởi giá phân bón thế giới cũng như nguyên liệu đầu vào, nhu cầu phân bón tăng khi vụ Đông Xuân sắp đến, giá bán phân bón trong nước đã tăng trở lại. Các nhà nhập khẩu phân bón lớn tại Việt Nam vẫn đang theo dõi các thông tin về chính sách siết chặt kiểm soát xuất khẩu phân bón của Trung Quốc nên hạn chế ký đơn hàng mới.

Còn với giá thức ăn chăn nuôi, theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới, trong tháng 10.2021, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước, mức tăng từ 0,3%-7,6%. So với cùng kỳ năm trước, giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng cao, mức tăng từ 2,38% - 49%, kéo theo giá thức ăn hỗn hợp dành cho gà tăng 27,8% - 19,8%, trong khi giá thức ăn cho heo tăng 32,03%.

Về giải pháp bảo đảm cung ứng phân bón cho nông dân với giá cả hợp lý, UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, Tổ điều hành thị trường trong nước sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất phân bón URE, DAP, NPK tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, tăng cường năng lực ổn định sản xuất, phát huy tối đa công suất nhà máy để cung ứng nhanh và kịp thời phân bón ra thị trường trong nước; ưu tiên cung ứng phân bón ra thị trường trong nước, có phương án xuất khẩu hợp lý, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm, phục vụ tối đa nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân, nhất là vụ Đông Xuân 2021-2022 sắp tới. Bên cạnh đó, rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng phân bón cho thị trường với giá hợp lý.

Đối với tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục thành lập đoàn để kiểm tra việc hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai giá cho các cơ quan chức năng theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ, nhằm kiểm soát việc đầu cơ, ghim hàng và tăng giá không có nguyên nhân. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay (bình thường mới), việc lưu thông hàng hoá đã được thông thoáng sẽ giảm bớt phần nào chi phí phát sinh, góp phần làm giảm giá phân bón.

Giang Hà

Tin cùng chuyên mục