Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường
Chủ nhật: 23:35 ngày 09/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, động viên các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Một đoạn đường bị sạt lở do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra (ảnh minh hoạ)

Giai đoạn 2016-2020, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, động viên các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Chất lượng môi trường “vẫn ổn”

Trong giai đoạn này, dân số của tỉnh có sự gia tăng, với tốc độ tăng dân số và sự phân bố dân số không hợp lý tại tỉnh đang và sẽ gây ra những tác động đến kinh tế - xã hội và môi trường. Dân số tăng đột biến ở các vùng đô thị, hay sự phân bố không đồng đều sẽ kéo theo một số vấn đề khác như đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng, giao thông, năng lượng, y tế, nông lâm ngư nghiệp, du lịch dịch vụ. Từ đó phát sinh thêm các sức ép cho môi trường, tăng lượng nước thải, chất thải rắn, khí thải.

Kết quả quan trắc môi trường các năm qua cho thấy, chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam theo quy định. Đa phần các vị trí đều đạt quy chuẩn hiện hành. Chất lượng nước mặt (30 vị trí) qua các kết quả quan trắc cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm tại một số nơi nhưng chỉ ở mức độ ô nhiễm nhẹ.

Nước dưới đất tại 39 vị trí quan trắc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho thấy chất lượng khá tốt, ngoại trừ pH do tính chất đặc trưng nước dưới đất của khu vực. Chất lượng môi trường đất (19 vị trí) có hàm lượng các kim loại nặng thấp hơn và đạt QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Nhìn chung, chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì khá tốt. Chất lượng môi trường không khí (26 vị trí) nhìn chung vẫn tốt và dần được cải thiện.

Tỉnh Tây Ninh có tính đa dạng sinh học cao. Đa dạng sinh học nhìn chung đang có sự biến đổi trên nhiều mặt với các mức độ khác nhau nhưng đã giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, được kiềm chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp được đã được thực hiện tương đối nghiêm. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp thứ cấp trong các khu công nghiệp đều đã có hồ sơ môi trường, đã đầu tư công trình xử lý nước thải, thực hiện đấu nối, xả nước thải theo đúng quy định của chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động từ các doanh nghiệp đã được tỉnh đầu tư hoàn chỉnh, góp phần kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quản lý khoa học, hiệu quả hơn

Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa kiến nghị Trung ương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường phải gắn với việc bố trí nhân lực của các cấp huyện, cấp xã như luật, văn bản thuộc lĩnh vực đất đai. Đồng thời, việc phân cấp quản lý cần tránh trường hợp cùng một đối tượng/nội dung nhưng có quá nhiều cơ quan cùng quản lý. Bộ cũng cần ban hành hướng dẫn thực hiện xây dựng chính sách xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện.

Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phân định rõ các quy định còn chồng chéo trong quản lý môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn hệ thống và tăng cường năng lực quản lý môi trường cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt nhân sự môi trường cấp xã; làm rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo và bổ sung các quy định, yêu cầu về cơ chế phối hợp nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề về quản lý môi trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, diễn biến ngày càng phức tạp trong lĩnh vực môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Bộ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; tăng cường hỗ trợ tỉnh tham gia các dự án quốc tế và trong nước về biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực, bảo vệ môi trường cho tỉnh; hỗ trợ cho tỉnh được vay vốn ODA để đầu tư các công trình xử lý chất thải, cải thiện môi trường; hỗ trợ địa phương về bảo tồn đa dạng sinh học.

Sở TN&MT cũng kiến nghị Bộ TN&MT đánh giá hiệu quả và hướng dẫn áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Tăng cường và đa dạng hoá nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Xem xét đề xuất Chính phủ hỗ trợ các nguồn tài chính từ Trung ương hoặc ODA cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về xử lý chất thải, xây dựng thêm một số trạm quan trắc nước mặt, không khí tự động liên tục; cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, các công trình thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sở TN&MT cũng kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường. Liên tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý môi trường của từng cấp, sở, ngành- đặc biệt chú ý tới việc phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, đồng thời, tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý.

Trong công tác tiếp nhận đầu tư, tỉnh phải kiên trì quan điểm chỉ tiếp nhận các dự án có thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, bảo đảm khoảng cách với khu vực dân cư xung quanh và quy hoạch đô thị, khu dân cư, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh cũng cần ban hành các chế tài, quy định hoặc cơ chế khuyến khích hỗ trợ để tăng tỷ lệ đấu nối tại các khu vực đã có hệ thống thu gom nước thải đô thị, xem xét mở rộng diện tích mạng lưới thu gom nước thải đô thị; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác tài nguyên.

UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai các kế hoạch bảo vệ môi trường của cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tích cực hơn nữa trong việc xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, chú trọng đến hoạt động sử dụng nguồn thải làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Sở TN&MT, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường.

An Khang

Tin cùng chuyên mục