Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
Thứ ba: 15:35 ngày 22/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong hệ thống di sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời sau, tư tưởng của Người về đoàn kết, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược quan trọng cho đường lối, chính sách đối ngoại nói riêng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. (Ảnh tư liệu)

NỘI DUNG TƯ TƯỞNG ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế chứa đựng nhiều nội dung phong phú, rộng lớn; được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán, kiên định qua nhận thức, quan điểm và hành động của Người. Đáng chú ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, đoàn kết quốc tế là một đòi hỏi khách quan, một vấn đề có tính nguyên tắc, là chiến lược xuyên suốt, nhất quán và có vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam.

Tiếp bước con đường đi ra thế giới của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; rút kinh nghiệm từ thất bại của những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược đầu thế kỷ XX; nhờ những trải nghiệm trong thời gian sinh sống, lao động ở nước ngoài; qua hoạt động với tư cách đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, và nhất là nhận được nguồn cổ vũ lớn từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh là người đầu tiên và duy nhất xác định rõ ràng nền tảng, nhân tố quan trọng cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là đoàn kết, hội nhập với thế giới.

Trong quan điểm của Người, thân phận bất hạnh của đa số “người bị bóc lột”, người lao động nghèo ở các nước là cơ sở chính hình thành nên “tình hữu ái”, sự đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới; đoàn kết quốc tế là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của cách mạng giải phóng dân tộc nói chung và cách mạng ở Việt Nam nói riêng.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm rõ ràng về mục tiêu của đoàn kết quốc tế. Đó là, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước và kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp, vì quốc gia, dân tộc và vì nền hòa bình của khu vực và trên thế giới. Với Hồ Chí Minh, “sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới… Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn với chúng tôi”(1).

Thứ ba, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết quốc tế, để thực sự tạo nên sức mạnh, phải được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản: 1) không phân biệt, bình đẳng, cùng có lợi; 2) tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; 3) phải phát huy tinh thần “tự lực cánh sinh”, dựa vào sức của mình là chính; 4) có lý, có tình.

Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(2).

Người khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình”(3). Đây là thông điệp về hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau của nhân dân Việt Nam với thế giới. Đây cũng là tư duy, tầm nhìn vượt thời đại của Hồ Chí Minh.

Thứ tư, đoàn kết quốc tế, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề tập hợp lực lượng là rất quan trọng. Lực lượng đoàn kết quốc tế, theo tư tưởng của Người, rất phong phú song tập trung chủ yếu vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình, dân chủ thế giới. Hồ Chủ tịch đã thành công khi gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng để tập hợp và tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, trong việc mở rộng lực lượng đoàn kết quốc tế, Người còn xác định rõ vai trò quan trọng của các quốc gia láng giềng, các nước lớn.

Có thể khẳng định, tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những định hướng, nền tảng, cơ sở lý luận quan trọng cho việc hoạch định và thực thi đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam, là ánh sáng soi đường của đối ngoại Việt Nam.

VIỆT NAM THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

Những thành công của đối ngoại Việt Nam, nhất là trong hơn 30 năm Đổi mới, là thực tiễn chứng minh rõ ràng và đầy đủ nhất về tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ của con người vĩ đại Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, hợp tác quốc tế luôn là nguyên tắc, chiến lược, có vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng trong quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Sau chiến thắng năm 1975, sau gần 10 năm rơi vào tình thế khó khăn trên trường quốc tế, tới năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, một thời kỳ “Đổi mới” toàn diện, tạo nên thế và lực mới cho dân tộc.

Từ quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô, với Lào và Campuchia, với các nước khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế… đến nay, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với gần 30 quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, là đối tác toàn diện với tất cả các nước trong cộng đồng ASEAN; lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL); lần thứ hai được bầu, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và tới 2020, là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Là thành viên của WTO, của nhiều thể chế đa phương, đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA với 59 đối tác trên toàn thế giới.

Việt Nam ngày càng chủ động, sáng tạo hơn trong triển khai hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế, góp phần phục vụ tốt lợi ích quốc gia, dân tộc. Tính đến nay, Việt Nam được 71 nước công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường và hiện trong top đầu của ASEAN về mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế. Mối quan hệ với các đối tác kinh tế khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương 200% GDP.

Cùng với kinh tế, hợp tác, hội nhập quốc tế đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, an ninh trong nước, góp phần đan xen lợi ích với các đối tác, qua đó, tạo cục diện thuận lợi để Việt Nam giữ nước từ xa. Tính đến nay, sau 5 năm bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 90 sĩ quan tham gia sứ mệnh quốc tế cao cả này. Có thể xem đây là sự thể hiện mức độ tham gia ngày càng sâu hơn, đóng góp ngày càng tích cực hơn của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, hoạt động đối ngoại của Việt Nam tập trung vào các đối tác ưu tiên, chủ chốt, các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực và các đối tác quan trọng khác.

Quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và các nước ASEAN tiếp tục có những bước tiến mới, quan trọng. Những nỗ lực lớn của Việt Nam trong xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế ngày càng nhiều. Kết quả năm 2018, Việt Nam xuất khẩu đạt 243,5 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD một phần quan trọng nhờ quan hệ tốt với các đối tác lớn.

Thứ ba, đoàn kết, hợp tác quốc tế, với Hồ Chí Minh, gắn với nguyên tắc bất di bất dịch và mục tiêu quan trọng là góp phần đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ; hợp tác tìm giải pháp ổn định, lâu dài, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau. Đây là một đóng góp lớn của đối ngoại Việt Nam thời gian qua.

Nguy cơ lớn nhất đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam hiện nay, là vấn đề Biển Đông. Tình hình Biển Đông trong vòng hơn 10 năm qua diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền, mà còn là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, Việt Nam đã, đang và luôn sẵn sàng giải quyết những tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời coi trọng việc giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng.

Nhờ lập trường chính nghĩa, nhờ những bằng chứng pháp lý và căn cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.

___________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15, tr.675.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 311.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 12.

TS. Đỗ Phương Thảo
Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế
Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn tuyengiao

Tin cùng chuyên mục